5 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại thành phố Cần Thơ
Việc tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung chủ trương, Nghị quyết của Trung ương; chương trình hành động của địa phương về công tác PCTN gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cấp ủy đảng quan tâm; cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, thành phố đã tổ chức 02 Hội nghị cán bộ chủ chốt và cán bộ hưu trí thuộc diện Thành ủy quản lý để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá X); Chương trình số 52-CTr/TU ngày 21-4-2009 của Thành ủy. Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo thành phố về PCTN đã mở 13 lớp tập huấn pháp luật về PCTN cho hàng ngàn lượt cán bộ là lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch, Phó Chủ tịch; Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc UBND quận, huyện, sở, ban, ngành của thành phố và các chức danh lãnh đạo xã, phường, thị trấn. Cấp phát cho các cơ quan của thành phố, quận, huyện, xã, phường 608 quyển sách pháp luật “Một số văn bản của Đảng và Nhà nước về PCTN”; Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố phát sóng phim, phóng sự về PCTN...
Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN xây dựng và tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan trong tỉnh, đó là: Công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thanh tra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Cần Thơ, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, Cục Thuế, Cục Hải Quan, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trường Chính trị thành phố. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền pháp luật về PCTN tại các quận, huyện và đề cương báo cáo chuyên đề PCTN (báo cáo tại một số lớp học do Trường Chính trị tổ chức).
Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động công tác PCTN giai đoạn 2008 - 2013 |
Thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện đã tổ chức thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; ban hành đề án thực hiện khoán, lập quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công; thực hiện trả lương qua tài khoản; thực hiện tốt việc kê khai, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đến nay chưa có trường hợp nào thuộc diện phải xác minh tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động (hàng năm có điều chỉnh, bổ sung); báo cáo thực hiện quy chế và công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên, định kỳ. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động như: công khai các quy trình nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý của mình; quy định và niêm yết công khai các quy định về thủ tục, trình tự, các loại giấy tờ cần thiết khi đến liên hệ và thời gian giải quyết, trả kết quả, lịch tiếp công dân...; công khai việc phân bổ dự toán của các cấp, các cơ quan; tình hình và kết quả sử dụng kinh phí ngân sách, sử dụng tài sản, trang thiết bị, mua sắm trang thiết bị, sử dụng kinh phí tiết kiệm trong cơ quan, đơn vị hàng tháng, quý; thực hiện công khai trong công tác tổ chức - cán bộ như: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chuyển vị trí công tác, luân chuyển, bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ, công chức, công tác nâng lương, bình xét thi đua, khen thưởng và xét kỷ luật.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế, cải cách hành chính phục vụ công tác PCTN tại đơn vị mình. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn thành phố được duy trì và đạt hiệu quả cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính tại thành phố tiếp tục được duy trì và phát triển. Phần lớn các cơ quan hành chính đều có sử dụng các phần mềm ứng dụng vào hoạt động tác nghiệp của cơ quan như: quản lý văn bản hồ sơ công việc, trang tin điện tử, các phần mềm chuyên ngành…
Đến nay, thành phố Cần Thơ có 122 đơn vị thực hiện xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO (kể cả xã, phường, thị trấn), trong đó 47/122 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 đang thực hiện chuyển sang tiêu chuẩn 9001:2008. Thực hiện Nghị định 120/2006/NĐ-CP ngày 20-10-2006 của Chính phủ về kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN, hàng năm, thành phố Cần Thơ đều xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện.
Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác PCTN đối với các cơ quan, sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN. Đã phát hiện, kịp thời động viên, khuyến khích, những nhân tố tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng (năm 2010 thành phố có 04 cá nhân có thành tích được tham dự Hội nghị toàn quốc biểu dương cá nhân có thành tích chống tham nhũng do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức).
Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được các cơ quan tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng kéo dài; việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, người có hành vi tham nhũng được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, các địa phương quan tâm tiến hành nhanh chóng, nghiêm túc. Do có sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo, đến nay các vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng, lãng phí tồn đọng trước đây (do quan điểm xử lý khác nhau giữa các ngành chức năng) nay đã được giải quyết.
Ban Chỉ đạo ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng khi có dấu hiệu bị trù dập, bước đầu đã có kết quả tích cực. Từ năm 2009 đến năm 2012, thành phố tổ chức 827 cuộc thanh, kiểm tra; điều tra 16 vụ/39 đối tượng; truy tố 13 vụ/29 bị can và đưa ra xét xử 12 vụ/32 bị cáo.
Bên cạnh những kết quả trên, tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp… xuất hiện tình trạng đe dọa, trả thù người tố cáo. Số vụ việc phát sinh mới có giảm, nhưng dư luận còn băn khoăn về tình trạng các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn xảy ra nhưng chưa được phát hiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, năm 2013 thành phố Cần Thơ xác định những nhiệm vụ trọng tâm như sau: (1) Triển khai, tổ chức thực hiện Luật PCTN (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan; các Nghị quyết, Chỉ thị của Thành ủy; Nghị quyết của HĐND, Chương trình hành động PCTN của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố và các Luật có hiệu lực thi hành. (2) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; chính sách, cơ chế; chế độ, định mức, từ đó tham mưu đề xuất loại bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tế. (3) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ban hành các văn bản áp dụng, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. (4) Từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý đơn thư tố cáo và thông tin về tham nhũng; đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng: quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; thu chi ngân sách; quản lý sử dụng, mua sắm tài sản công. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xử 1ý các hành vi tham nhũng. (5) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. (6) Đổi mới công tác tổ chức cán bộ, xây dựng rõ chế độ, trách nhiệm, tiêu chuẩn cho từng loại cán bộ, công chức, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt và có kế hoạch, cơ chế kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cán bộ, công chức; áp dụng chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; thực hiện công khai việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức cũng như việc xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức. (7) Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tổ chức thực hiện tốt các Quy chế phối hợp trong PCTN.
Phan Bá
(Hàm Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương)