Phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
(BNCTW) - Ngày 17-7-2013, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức Phiên họp lần thứ ba. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chủ trì Phiên họp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp |
Thay mặt cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã trình bày các dự thảo Báo cáo, kế hoạch, đó là: (1) Báo cáo công tác PCTN 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2013; (2) Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp; (3) Báo cáo vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và kiến nghị.
- Về Báo cáo kết quả công tác PCTN, các đại biểu cho rằng, 6 tháng đầu năm, công tác PCTN tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đạt được kết quả tích cực trên một số mặt công tác: (1) Công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục về PCTN tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Theo báo cáo của 50 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 4.890 lớp, hội nghị tuyên truyền, phổ biến về PCTN, với 1.269.895 lượt người tham gia. Từ tháng 3 đến tháng 6-2013, đã có gần 650 tin, bài phản ánh về công tác PCTN (theo thống kê từ 40 tờ báo cả báo giấy và báo điện tử của Trung ương và địa phương). (2) Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai. Trong 6 tháng đầu năm (theo báo cáo của 50 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã tiến hành 2.288 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch. Có 17 bộ và cơ quan ngang bộ; 07 cơ quan thuộc Chính phủ; 04 tổ chức chính trị xã hội; 08 cơ quan, tổ chức Trung ương; 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 14 Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91 đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012. Trong đó, có 104.326 người kê khai lần đầu, trên tổng số 106.680 người phải kê khai (đạt 98,8%); 472.975 người kê khai bổ sung, trên tổng số 479.604 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 370.650 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác. (3) Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng được tăng cường. 6 tháng qua đã tiến hành 2.992 cuộc thanh tra (tại 50 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; tài chính, ngân hàng; quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước... Đã kiến nghị xử lý về tài chính 2.700 tỷ đồng; thu hồi 53 tỷ đồng; kiến nghị xử lý 99 tập thể và 339 cá nhân. Kiểm toán Nhà nước triển khai 58/147 cuộc kiểm toán; tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán tại 152/152 đầu mối được kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010; chuyển 01 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ; cung cấp 10 bộ hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý những vụ việc, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng (tính đến 20-6-2013). Theo Cục Thống kê, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ ngày 01-01-2013 đến ngày 31-05-2013), các cơ quan pháp luật đã: khởi tố 116 vụ/266 bị can về các tội danh tham nhũng, trong đó: Tham ô tài sản (50 vụ/107 bị can); Nhận hối lộ (13 vụ/30 bị can); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (15 vụ/19 bị can); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (24 vụ/73 bị can); Các tội tham nhũng khác (14 vụ/37 bị can). Viện kiểm sát các cấp đã truy tố: 138 vụ/366 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 3 vụ/35 bị can so với cùng kỳ của năm 2012). Tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 100 vụ/196 bị cáo về tội danh tham nhũng (tăng 16 vụ/32 bị cáo so với cùng kỳ của năm 2012). (4) Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Trung ương) ra mắt và đi vào hoạt động. Ngày 01-02-2013, Bộ Chính trị đã có Quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 02 Phiên họp; ban hành Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; Chương trình công tác trọng tâm năm 2013 của Ban Chỉ đạo; bàn chỉ đạo việc phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN.
Toàn cảnh Phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN |
Sau khi Bộ Chính trị có quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, Ban Nội chính Trung ương đã sắp xếp tổ chức, nhân sự; ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Ban; xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, Chương trình công tác năm 2013 của Ban. Đến nay, tổ chức, bộ máy, biên chế của Ban Nội chính Trung ương gồm 9 đơn vị và 131 cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện Quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy, đến nay đã có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; 11 tỉnh, thành phố còn lại đang tiến hành các công việc chuẩn bị, dự kiến trong tháng 7 sẽ thành lập. Trưởng Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy mới được thành lập có 14 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; 31 đồng chí là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên, có quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ khóa tới; 7 tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Nội chính, nhưng chưa có Trưởng ban.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế, trong công tác PCTN, đó là: việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn mang tính hình thức; việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn chậm (chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu...); một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng chưa được ban hành kịp thời (giám định tư pháp...); việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn ít so với tình hình tội phạm tham nhũng xảy ra; việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, kéo dài...
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Phiên họp |
- Về công tác triển khai thực hiện Kế hoạch 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ chính trị, các đại biểu cho rằng, đây là công việc rất quan trọng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những hạn chế, yếu kém, vướng mắc tìm hiểu nguyên nhân; đề ra biện pháp khắc phục để củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng. Vì thế các đại biểu nhất trí với phương án thành lập 07 Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 04 bộ, ngành.
- Về công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các đại biểu thống nhất 09 nội dung đã thảo luận tại Phiên họp này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong PCTN mà toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta đã đạt được trong những tháng đầu năm và khẳng định: việc Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Nội chính Trung ương - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; ở địa phương, Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy được thành lập (theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI); ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN... là tiền đề chính trị, pháp lý rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ PCTN năm 2013 và những năm tiếp theo. Việc làm này thể hiện Đảng, Nhà nước ta quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác PCTN; được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm và tin tưởng.
Nhiệm vụ công tác PCTN 6 tháng cuối năm 2013, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu: (1) Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục PCTN trên phạm vi toàn quốc; (2) Hoàn thiện thể chế về PCTN theo Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; (3) Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; (4) Tập trung chỉ đạo, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; lựa chọn một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để tập trung chỉ đạo xử lý; (5) Hoàn thiện, củng cố Ban Nội chính các cấp nhằm đáp ứng nhiệm vụ được giao; (6) Các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN của các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách.
Đàm Văn Lợi
(Ban Nội chính Trung ương)