Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2013 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ Hai, 22/07/2013, 15:50 [GMT+7]

Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí’’, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch PCTN năm 2013. Đến nay, đã có 107/112 đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch PCTN năm 2013 (đạt 95,54%). Bộ đã mở địa chỉ email để tiếp nhận thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng tại các cơ quan thuộc Bộ. Thanh tra Bộ đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 04 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho hơn 400 cán bộ, trong đó tập trung vào nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, pháp luật về  phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Một Hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Một Hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành rà soát các văn bản liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn thuộc thẩm quyền và sửa đổi bổ sung Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ.

6 tháng qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành 64 cuộc thanh, kiểm tra; ban hành 4.300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 6.500.000.000 đồng. Các tổng cục, đơn vị đã thực hiện 35/93 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đạt 37,63% kế hoạch). Các tập đoàn và tổng công ty đã thực hiện 14/74 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch (đạt 18,8% theo kế hoạch) và 11 cuộc thanh tra, kiểm tra phát sinh. Đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 159.132.000 đồng.

Riêng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thực hiện 03 cuộc thanh tra, kiểm tra và 02 cuộc phúc tra; chỉ đạo các công ty, đơn vị thành viên thực hiện 35 cuộc thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động.

Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng đã thực hiện 03 cuộc kiểm tra tại 03 đơn vị thành viên. Qua kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã xử lý kỷ luật một số trường hợp như: cách chức 01 đảng ủy viên, cảnh cáo 02 đảng viên tại Công ty Lương thực Tiền Giang “Thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ năm 2012”; cách chức 01 chi ủy viên, cảnh cáo 03 đảng viên, khiển trách 02 đảng viên tại Công ty Lương thực Sóc Trăng về “Vi phạm trong công tác quản lý điều hành Công ty trong những năm trước đây”.

Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã thực hiện 02 cuộc kiểm tra theo kế hoạch về kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính năm 2012 tại 02 đơn vị. Kết quả sau kiểm tra, tại Chi nhánh Lai Vung và Cái Sắn đã cho thôi chức Giám đốc Chi nhánh để tập trung giải quyết các tồn tại của Chi nhánh; tại Công ty cổ phần Lương thực Hà Bắc đã cho thôi chức Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Công ty.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung xử lý, giải quyết các vấn đề nổi cộm sau thanh tra, kiểm tra. Bộ đã yêu cầu kiểm điểm và có văn bản phê bình nghiêm khắc 04 cán bộ thuộc diện Bộ quản lý; các tổng công ty phê bình 08 cán bộ thuộc diện tổng công ty quản lý. Tập trung giải quyết các vụ việc phát sinh tại Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam. Kỷ luật, cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam đối với ông Nguyễn Hữu Lộc. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 04 người - nguyên là cán bộ của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về PCTN, có thể rút ra được một số bài học sau:

Thứ nhất là, Ban cán sự Đảng Bộ đã tạo sự chuyển biến bước đầu về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động về PCTN, lãng phí. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị về PCTN, lãng phí.

Thứ hai là, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng kế hoạch PCTN tại cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thứ ba là, quan tâm rà soát, bổ sung các văn bản, quy định nội bộ, các định mức, tiêu chuẩn để giảm thiểu các kẽ hở có thể bị lợi dụng để tham nhũng, lãng phí; đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, phát huy dân chủ,

Thứ tư là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý, giải quyết các vấn đề sau thanh tra, kiểm tra.

                               Đào Ngọc Đình

                                    (Ban Nội chính Trung ương)

;
.