Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 21/06/2013, 08:54 [GMT+7]

Ngày 17/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/7/2013, thay thế Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ.

Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng; chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tố cáo hành vi tham nhũng; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và một số quy định khác của Luật phòng, chống tham nhũng.

Xác định rõ hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ

Nghị định xác định rõ về hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

Nghị định cũng xác định hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người có hành vi nhũng nhiễu.

Nghị định quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin và được yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc cung cấp thông; chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng tại bộ, ngành, địa phương. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng báo cáo hằng năm về phòng, chống tham nhũng. Khi cần thiết, bộ, ngành, địa phương đề nghị Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương mình.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để xem xét, đánh giá và có biện pháp nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình. Cơ quan công an, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo có nghĩa vụ thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận tố cáo về hành vi tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ quản lý, sử dụng Quỹ khen thưởng

Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng. Việc xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng bao gồm: Tiếp nhận, thống kê, tổng hợp, xử lý, lưu trữ các thông tin, dữ liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức, địa phương về tình hình phòng, chống tham nhũng; Bảo đảm sự trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu thông suốt giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng; Tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng

Nghị định cũng quy định chi tiết về khen thưởng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng được thực hiện theo pháp luật về tố cáo và khen thưởng. Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng được thành lập để khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, được lấy từ ngân sách nhà nước, trích từ tài sản được thu hồi từ các vụ, việc tham nhũng và đóng góp của tổ chức, cá nhân. Việc quản lý, sử dụng quỹ do Thanh tra Chính phủ thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng bị đình chỉ công tác tối đa 90 ngày

Nghị định chỉ rõ, cán bộ, công chức, viên chức chỉ bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và đồng thời người đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.

Căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng bao gồm: Khi có văn bản yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc thi hành công vụ.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức tối đa là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Thu Thắm

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.