Kinh nghiệm tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Hưng Yên
Để đạt chất lượng, có chiều sâu và đi vào nền nếp, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho nhiều năm, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cho từng năm. Trên cơ sở xác định rõ yêu cầu nội dung kiến thức của từng đối tượng để từ đó có phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp, tránh dàn trải, hình thức.
Một hội nghị tuyên truyền, phổ biến
pháp luật tại tỉnh Hưng Yên
Năm 2012, do xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN sẽ triển khai trong đối tượng là cán bộ cấp cơ sở, ngay từ đầu năm, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh ký kết văn bản phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền. Thực hiện Kế hoạch, 10 tháng đầu năm 2012, Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 1.500 cán bộ cơ sở của 30 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Kim Động, Tiên Lữ, Văn Giang. Các hội nghị được tổ chức theo cụm; mỗi cụm từ 4 đến 5 xã, địa điểm tổ chức tại một xã trung tâm của cụm. Mỗi hội nghị khoảng 200 đến 250 người, gồm: đại diện cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn; trưởng, phó thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng “nhóm nòng cốt” của Mặt trận Tổ quốc ở khu dân cư. Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XI); Luật PCTN; Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; Pháp lệnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn... Ngoài việc phổ biến kiến thức pháp luật về PCTN, tại các hội nghị còn dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận, giải đáp một số thắc mắc về các vấn đề liên quan trong tổ chức thực hiện tại địa phương, cơ sở... Các hội nghị nói trên được Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN hỗ trợ về tài liệu; cử báo cáo viên nhiều kinh nghiệm trực tiếp tuyền đạt.
Do tính chất công việc của cán bộ cơ sở là phải thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt, giải quyết những công việc cụ thể của nhân dân, là cầu nối giữa dân với cơ quan đảng, chính quyền các cấp, do đó việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về PCTN thực sự là một cơ hội tốt để cán bộ cơ sở học tập, tìm hiểu một cách cơ bản, có hệ thống những quy định của pháp luật về công tác PCTN nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tích cực tham gia đấu tranh PCTN, mục tiêu là xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Qua tổ chức các hội nghị tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về PCTN tại Hưng Yên, bước đầu có thể đúc rút một số kinh nghiệm như sau:
- Trong chương trình, kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN, nội dung, kế hoạch công tác tuyên truyền phải được xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của nhóm đối tượng cần tập trung tuyên truyền trong năm, phân công trách nhiệm và đề ra các yêu cầu trong tổ chức thực hiện. Đảm bảo sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, làm cơ sở cho việc thực hiện và để cho cơ quan tổ chức có đủ thời gian, điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho các hội nghị.
- Trước khi triển khai mở hội nghị tuyên truyền, có thể tìm hiểu chương trình tập huấn của các cơ quan, địa phương trong tỉnh, nếu thấy tương đồng về tính chất, đối tượng thì chủ động đề nghị phối hợp, kết hợp tuyên truyền, phổ biến được nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực trong mỗi hội nghị. Việc kết hợp này vừa tạo được tính đồng bộ, giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của cơ quan, tổ chức và của đại biểu, vừa tạo nên sự phong phú, sức thu hút đối với các hội nghị tuyên truyền.
- Khi xây dựng chương trình, kế hoạch các hội nghị, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ về nhóm đối tượng tuyên truyền về trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật, đặc điểm công việc họ đang làm, những yêu cầu về kiến thức cần trang bị của họ... để từ đó lựa chọn thời điểm tổ chức hội nghị, đưa những nội dung, kiến thức phù hợp, sát yêu cầu thực tiễn, tạo ra sức hấp dẫn trong quá trình tiếp thu. Nội dung kiến thức được phổ biến, học tập phải đáp ứng, phục vụ ngay cho yêu cầu công tác, người được tập huấn có thể vận dụng luôn những kiến thức được trang bị vào giải quyết công việc của mình, có như vậy, các buổi tập huấn, tuyên truyền mới thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo tính thiết thực.
- Phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự giúp đỡ tài liệu và báo cáo viên của Trung ương; phối hợp với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, địa phương nơi tổ chức tuyên truyền; tiếp thu kinh nghiệm của các ngành, các địa phương khác đã tiến hành công việc để vận dụng kinh nghiệm tổ chức tốt các hội nghị.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết cho mỗi hội nghị, chuẩn bị tốt các điều kiện về địa điểm, điều kiện bảo đảm để các hội nghị diễn ra thuận lợi, đạt kết quả.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên với cơ quan đồng tổ chức và cơ quan liên quan để đảm bảo hội nghị tuyên truyền diễn ra đúng kế hoạch, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Nguyễn Văn Long
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)