Hội thảo sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Sáu, 21/12/2012, 08:33 [GMT+7]

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội thông qua vào năm 2005. Sau 7 năm triển khai thực hiện, kết quả về tiết kiệm đã rõ nét nhưng tình trạng lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được. Nguyên nhân do công tác tổ chức thực hiện Luật nhiều nơi chưa quan tâm thực hiện nghiêm túc, các biện pháp, chế tài còn chung chung, hình thức… gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước trong nhiều lĩnh vực.

Quang cảnh Hội thảo

Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi gồm 5 Chương và 57 Điều, với nhiều nội dung bổ sung như việc xác định công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên; bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước.

Dự án luật sửa đổi lần này có 13 nội dung mới, trong đó đáng chú ý là bổ sung yêu cầu công khai trong quản lý ngân sách Nhà nước, vốn, tài sản, lao động…; bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; bổ sung quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí…

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 7 chuyên đề liên quan đến các nội dung: sự cần thiết, nguyên tắc ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); phạm vi và đối tượng áp dụng của luật; quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, tài sản Nhà nước của cơ quan, tổ chức; trong quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động. Ngoài ra, để thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, đòi hỏi phải có những chương trình hành động cụ thể, tổ chức động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện.

                              Nguyễn Thị Mỹ Hương

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.