Công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/12/2012, 17:07 [GMT+7]

Về vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật quy định, người đứng đầu phải lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai bắt buộc như niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quang cảnh Họp báo

Các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, ngoài ngành nghề kinh doanh, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, việc lập và sử dụng quỹ, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của lãnh đạo doanh nghiệp… Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm báo cáo về nội dung công khai với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải công khai, minh bạch; không được cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cổ phần hóa có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp.

Trong công tác tổ chức - cán bộ, phải công khai, minh bạch các nội dung: Tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức; chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với cán bộ, công chức, viên chức; nâng lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác; việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.

Về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập, luật quy định việc kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Trong bản kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm bên cạnh làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong thời kỳ kê khai.

Luật không quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm phải kê khai mà giao Chính phủ hướng dẫn. Việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình và trình tự, thủ tục giải trình Thanh tra Chính phủ sẽ sớm hoàn thành Nghị định hướng dẫn thực hiện.

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, Luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm người có thẩm quyền quản lý cán bộ trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với những cán bộ mà có căn cứ cho rằng những người đó có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 23/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2013.

P.V

;
.