Công tác phòng, chống tham nhũng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sơn La
9 tháng đầu năm 2012, khó khăn chung của nền kinh tế cả nước cộng với những hạn chế về vốn, về năng lực sản xuất của một tỉnh nghèo ở miền núi phía bắc đem đến những thách thức không nhỏ nhưng Chi nhánh đã hoàn thành tốt việc triển khai, thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và các dịch vụ ngân hàng khác cho các TCTD, Kho bạc nhà nước trên địa bàn. Theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh đã thực hiện tốt các nghiệp vụ và biện pháp quản lý Nhà nước về ngoại hối và vàng; thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn và cho vay thanh toán đối với các TCTD trên địa bàn. Chi nhánh đã trực tiếp hoặc yêu cầu các TCTD giải quyết, trả lời các chất vấn, kiến nghị và các khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, công dân, báo chí về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn thuộc quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, trong 9 tháng đầu năm, Chi nhánh đã tổ chức việc tiếp tục quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên của mình về Chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước và của Chi nhánh về thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN; quán triệt Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/3/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về công tác thanh tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn cơ quan và kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng của Chi nhánh theo quy định.
Chi nhánh tiếp tục triển khai việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bao gồm các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động; xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp; quy định về việc nộp lại quà tặng; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức; về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; cải cách thủ tục hành chính; áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản…
Trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, Chi nhánh đã tăng cường công tác kiểm tra các mặt nghiệp vụ của đơn vị thông qua hoạt động kiểm soát nội bộ, qua đó, chấn chỉnh các sai sót để không xẩy ra sai phạm. Trong 9 tháng đầu năm, Chi nhánh đã tiến hành 7 cuộc thanh tra tập trung vào các lĩnh vực nghiệp vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro, cán bộ dễ mắc sai sót là kế toán, tín dụng, kho quỹ, kết quả không phát hiện tham nhũng, sai sót nghiệp vụ. Trong 9 tháng đầu năm, Chi nhánh không nhận được một đơn, thư tố cáo, khiếu nại nào đối với cán bộ Chi nhánh cũng như các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, nợ xấu hiện nay đang là mối lo lớn của ngành ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế. Tại Sơn La, nợ xấu đang ở dưới mức cho phép, nằm trong tầm kiểm soát. Hiện nay, Sơn La có sự hoạt động của 4 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 7 quỹ tín dụng nhân dân.
Đến 30/9/2012, chỉ có Ngân hàng chính sách xã hội là có nợ khoanh với 1.886 triệu đồng, tăng 1.328 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước và chiếm 0,017% tổng dư nợ, bằng 2,53% tổng nợ xấu của toàn bộ các tổ chức tín dụng trong tỉnh.
Nợ xấu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh của không hiệu quả, hàng hóa không tiêu thụ được, chi phí sản xuất tăng cao, người lao động thiếu việc làm, công tác quản lý kém; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây lắp chưa được thanh toán vốn, dự án dở dang hoặc chậm tiến độ; các hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng, giá bán sản phẩm giảm, thiên tai, dịch bệnh, bản thân hoặc người trong gia đình bị ốm đau, tai nạn…
Tuy nợ xấu có tăng do các nguyên nhân trên, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng ở Sơn La là 0,67% còn thấp so với mức 3% mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định; nguồn trích lập dự phòng của tỉnh là 95.403 triệu đồng đủ để đảm bảo xử lý số nợ xấu 74.509 triệu đồng. Chính vì vậy, nợ xấu không thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngô Sỹ Giang
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)