Mở rộng chương trình hỗ trợ minh bạch trong hoạt động xây dựng

Thứ Năm, 27/09/2012, 17:00 [GMT+7]

CoST là dự án do DFID và WB tài trợ. Năm 2010, Bộ Xây dựng đã hoàn thành hiệu quả thí điểm của Dự án và báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện dự án giai đoạn này. Giai đoạn thí điểm của dự án đã kết thúc. Bộ Xây dựng đã được DFID tiếp tục tài trợ để thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Hiện tại, các nhà tài trợ đang nghiên cứu để tiếp tục thực hiện giai đoạn mở rộng theo yêu cầu của CoST toàn cầu.

Mục tiêu dài hạn của Chương trình

là đảm bảo tăng cường minh bạch và

trách nhiệm giải trình trong các dự án xây dựng công

Ông Lê Xuân Trường - Giám đốc Ban Quản lý dự án giai đoạn chuyển tiếp - cho biết, trong giai đoạn chuyển tiếp đã lựa chọn 5 chủ dự án, 9 dự án/tiểu dự án thực hiện công khai thông tin; điều chỉnh và ban hành áp dụng các biểu mẫu và hướng dẫn công khai thông tin; thực hiện công khai thông tin của toàn bộ 11 gói thầu/dự án của 9 dự án/tiểu dự án; hoàn thành Dự thảo hướng dẫn công tác phân tích và đánh giá; tiến hành phân tích và đánh giá cấp 1 cho các thông tin được công khai lần 1.

Việc rà soát các văn bản pháp quy liên quan đến công khai thông tin trong hoạt động xây dựng được ban hành đến hết tháng 7/2012 cho thấy chưa có một văn bản pháp quy quy định việc công khai thông tin xuyên suốt các giai đoạn trong quá trình thực hiện một dự án xây dựng; các quy định hiện tại tập trung chủ yếu vào việc công khai thông tin giai đoạn đấu thầu và quản lý nguồn vốn.

Ông William D Paterson, Cố vấn Chính sách Cao cấp (Ban Thư ký CoST Quốc tế) đánh giá tiến độ triển khai giai đoạn chuyển tiếp của CoST tại Việt Nam tốt, thể hiện qua việc áp dụng thiết kế CoST quốc tế, tập trung tăng cường hoạt động bên yêu cầu thông tin, cam kết triển khai từ các bên liên quan. Theo ông Paterson, CoST Việt Nam cần tiếp tục triển khai thí điểm công khai thông tin dự án theo nguyên tắc CoST trên diện rộng, đánh giá hiệu quả tác động Dự án, đồng thời xây dựng Văn bản pháp quy làm cơ sở để áp dụng rộng rãi sau này.

Tại Hội thảo, Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, phân tích, đánh giá dự án (TA) đã đề xuất đề cương chi tiết Dự án CoST giai đoạn mở rộng. Trong đó nhấn mạnh Dự án đáp ứng được yêu cầu về nâng cao tính minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình và giảm lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản; xây dựng Văn bản pháp quy quy định về công khai thông tin trong hoạt động xây dựng; nghiên cứu, khảo sát làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Văn bản pháp quy.. Quy mô của Dự án giai đoạn mở rộng gồm khoảng 50-60 dự án, 150-170 gói thầu, trong đó xây lắp chiếm 70%, mua sắm thiết bị 10%, tư vấn 20%. Các dự án do 4-6 Bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ khác) và 5-8 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Tháp) làm chủ đầu tư. Mỗi bộ, tỉnh chọn 2 chủ dự án, một chủ dự án chọn 2-3 dự án, các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, nguồn vốn khác nhau. Tổng vốn dự kiến của Dự án là 51,28 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 46,62 tỷ đồng, vốn đối ứng là 4,61 tỷ đồng. Dự án được chuẩn bị trong 6 tháng, thời gian thực hiện 3 năm và giám sát định kỳ 6 tháng/1 lần.

Trọng Giáp - Thu Thắm

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.