Thí điểm đưa nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng vào trường học (Đề án 137)
Theo lộ trình của Đề án, trước khi nội dung PCTN được giảng dạy trong các nhà trường, sẽ tổ chức dạy thí điểm tại 14 trường ((1) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; (2) Đại học Công đoàn; (3) Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; (4) Trung cấp sư phạm Mẫu giáo Hà Nội; (5) Học viện Cảnh sát nhân dân; (6) Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1 - Bộ Công an; (7) Học viện Chính trị Quân sự; (8) Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng; (9) Trường Chính trị Đà Nẵng; (10) Trường Sỹ quan Không quân (Nha Trang) - Bộ Quốc phòng; (11) Cao đẳng nghề Đà Nẵng; (12) Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; (13) Trường Cao đẳng nghề Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; (14) Trường Sỹ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) - Bộ Quốc phòng).
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Thực hiện nội dung đó, Ban chỉ đạo Đề án và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai việc giảng dạy thí điểm tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, kết quả như sau:
1. Công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên các trường thí điểm
Theo báo cáo kiểm tra tại các trường được chọn làm thí điểm cho thấy, 100% các trường này đã đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; các giáo viên, giảng viên đã được tập huấn nội dung PCTN. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động trong việc bồi dưỡng giáo viên thuộc các trường do Bộ quản lý; đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường trong việc triển khai thí điểm nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, việc tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy thí điểm chiếm tỷ lệ nhỏ trong số giáo viên, giảng viên dạy nội dung PCTN. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chưa có hướng dẫn trong việc giảng dạy thí điểm nội dung PCTN trong các trường nghề và trường chính trị.
2. Kết quả giảng dạy thí điểm nội dung PCTN
- Tại các trường trung học phổ thông (THPT): theo Báo cáo của 08 trường PTTH ở các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Bến Tre, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn dạy thí điểm cho thấy: các trường có sự chuẩn bị tốt, trang bị kiến thức cho giáo viên, tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo. Học sinh rất hào hứng với nội dung học, đặc biệt là thông qua các hoạt động ngoại khóa, như diễn kịch, hội thi… Tuy nhiên, thực trạng tham nhũng còn phức tạp, nên việc lấy dẫn chứng cụ thể rất khó khăn và khó thuyết phục được học sinh.
- Tại các trường trung cấp: Do không có môn pháp luật đại cương, nên việc đưa nội dung PCTN vào môn chính khóa được lồng vào các môn chính trị như triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trường thuộc diện thí điểm đã cử một số giảng viên tham gia tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; khi về trường giáo viên phổ biến kiến thức, tài liệu hướng dẫn cho giáo viên thuộc bộ môn. Qua dạy thí điểm, các em học sinh rất hứng thú với môn học này.
- Tại các trường cao đẳng, đại học: đa số các trường đã lồng ghép nội dung này vào phần nâng cao ý thức pháp luật về PCTN và nội dung các dấu hiệu tham nhũng trong chương vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý, với thời lượng 5 tiết. Đối với chương trình ngoại khóa, trong tuần học chính trị đầu khóa hàng năm đối với sinh viên, các nhà trường đã mời chuyên gia về giảng nội dung tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, trong đó có lồng ghép tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam, thực trạng và cách phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đã tiến hành tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCTN trong cán bộ, giảng viên và sinh viên. Tuy vậy, các trường vẫn còn lúng túng trong việc lồng ghép nội dung PCTN vào các môn học. Có trường lồng vào nhiều môn học (Trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã lồng ghép nội dung PCTN vào các môn Pháp luật đại cương, môn Kinh tế; môn Ngân hàng… Do quá trình lồng ghép chưa thống nhất, nên việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả của việc đưa nội dung PCTN vào chương trình học chưa được thường xuyên; với thời lượng đưa vào chương trình ít, lại lồng ghép nên các trường chưa tổ chức kiểm tra hay thi bắt buộc nội dung này.
- Tại các trường chuyên về luật và lực lượng vũ trang: Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, việc giảng dạy nội dung PCTN đã được thực hiện trước khi có Đề án 137, được dạy trong bộ môn Luật hình sự (phần các tội phạm về chức vụ). Sau khi triển khai Đề án và được tập huấn, Trường đã lồng ghép nội dung này vào môn học Luật hình sự và Luật hành chính. Tuy nhiên, việc lồng ghép một số nội dung của Đề án vào các môn học còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất, chưa có kiểm tra, nên việc đánh giá hiệu quả triển khai Đề án chưa đạt được. Các hoạt động ngoại khóa mặc dù đã được hướng dẫn, nhưng chưa được triển khai do nhà trường chưa quan tâm đúng mức.
Đối với các trường thuộc Bộ Công an và Quốc phòng quản lý, các bộ đã hướng dẫn việc triển khai khá nghiêm túc theo chỉ đạo của Cục nhà trường và Cục đào tạo. Việc giảng dạy chính khóa được thực hiện 15 tiết, đồng thời triển khai một số hoạt động ngoại khóa. Nhưng các hoạt động ngoại khóa còn những hạn chế nhất định; hiệu quả hoạt động ngoại khóa phụ thuộc vào chương trình của Đoàn thanh niên và các đoàn thể khác.
- Tại các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước: Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh vừa là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trong việc triển khai thí điểm, vừa là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thí điểm. Thời gian qua, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng và ban hành tài liệu về PCTN dành cho các hệ đào tạo, bồi dưỡng thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên các trường chính trị về nội dung PCTN. Các trường chính trị thuộc diện thí điểm, đã cử giáo viên, giảng viên đi tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức PCTN do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Bên cạnh đó, việc đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo bồi dưỡng của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh còn chậm; các hoạt động ngoại khóa chưa được triển khai hiệu quả.
3. Một số kiến nghị
Một là, việc giảng dạy nội dung PCTN trong trường học là rất cần thiết. Tuy nhiên, khung chương trình của các hệ đào tạo, bồi dưỡng tương đối chặt chẽ và cụ thể, nên việc lồng ghép, tích hợp nội dung này sẽ làm phát sinh số tiết học vượt khung chương trình. Do đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu, điều chỉnh khung chương trình cho phù hợp với chương trình đào tạo. Cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc giảng dạy nội dung này; việc giảng dạy phải có kiểm tra, đánh giá.
Hai là, việc giảng dạy nội dung PCTN là nội dung mới, kiến thức rộng, phức tạp và nhạy cảm. Để đảm bảo hiệu quả giảng dạy, đề nghị hàng năm tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, giảng viên cập nhật kiến thức về PCTN vào các dịp hè.
Ba là, tham nhũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên cần có nhiều thông tin, tài liệu làm ví dụ tạo hứng thú học tập cho đối tượng người học. Tuy vậy, tài liệu tham khảo về tham nhũng hiện nay rất thiếu, nhất là tài liệu phản ánh về thực trạng tham nhũng; công tác PCTN và các vụ án tham nhũng điển hình bị phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật. Do vậy, đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án, các bộ, ngành cần cập nhật thông tin, tài liệu cho các trường học phục vụ việc giảng dạy nội dung này. Cần có các tư liệu hình ảnh, băng đĩa để giáo viên, giảng viên có thể làm dẫn chứng giảng dạy cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ dụng cụ học tập như máy tính, máy chiếu phục vụ giảng dạy môn học này.
Bốn là, do yêu cầu của Đề án, các trường đã triển khai giảng dạy nội dung PCTN lồng ghép vào các môn học, đã phát sinh thêm số tiết học và nhiệm vụ soạn giáo án. Tuy vậy, các giáo viên chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng tương xứng. Đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, giảng viên dạy môn học này trong các nhà trường.
Năm là, nội dung PCTN rất cần được giảng dạy trong các nhà trường, do vậy, đề nghị Ban chỉ đạo Đề án 137, các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giảng dạy đại trà trong thời gian tới.