Thành công ban đầu của các đề án được giải Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng 2011

Thứ Năm, 23/08/2012, 15:14 [GMT+7]

Theo Thanh tra Chính phủ - đơn vị đồng tổ chức Chương trình - sau khi VACI 2011 công bố kết quả, hầu hết các chủ đề án đã báo cáo với lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan đơn vị chủ quản và đề xuất tổ chức triển khai thực hiện. Các đại diện của các đề án tham dự đầy đủ khóa tập huấn nghiệp vụ quản lý dự án do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Quảng Ninh tháng 8/2011. Khi được Ngân hàng Thế giới giải ngân, hầu hết các đề án đã triển khai từ tháng 2/2012, có đề án chủ động triển khai một số hoạt động trước như thành lập Ban Quản lý điều hành đề án, phân công trách nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động. Hầu hết các chủ đề án đóng vai trò hạt nhân trong tổ chức thực hiện. Nhiều Trưởng Ban Quản lý điều hành đề án là thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị như Ban Quản lý đề án P064 (Nâng cao năng lực giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng) do đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban. Các đề án có sự phối hợp, hỗ trợ, cố vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể.

Có 34 đề án được giải VACI 2011

Kết quả kiểm tra 10/34 đề án được giải cho thấy: 4/10 đề án đã được triển khai sớm, đạt tiến độ từ 70% trở lên, gồm P003 (Nâng cao quyền tiếp cận của người nghèo đối với nguồn vốn chính sách - Sơn La), P006 (Hình thành tính trách nhiệm và minh bạch cho học sinh tiểu học - Vĩnh Long), P126 (Quán hàng phù thủy 3T - vì một ngày mới không tham nhũng - Sơn La), P141 (Hội thi thiết kế bài giảng phục vụ ngoại khóa giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre - Bến Tre). 3/10 đề án được kiểm tra đã thực hiện đạt tiến độ từ 31% trở lên gồm: P064 (Nâng cao năng lực giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng - Quảng Nam), P112 (Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong tăng cường liêm chính, đồng thuận về mục tiêu và thực hiện giá trị cốt lõi của đơn vị - Thành phố Hồ Chí Minh) và P129 (Nâng cao tính công bằng, trách nhiệm và tăng cường vai trò giám sát của bệnh nhân trong khám bệnh bằng hệ thống xếp hàng và khảo sát khách hàng tự động - Thành phố Hồ Chí Minh). 3/10 đề án triển khai thực hiện chậm, mới đạt tiến độ dưới 31% gồm: P040 (Tăng cường phổ biến pháp luật và giáo dục đạo đức góp phần phòng, chống tham nhũng - Tiền Giang), P132 (Dựa vào cộng đồng giám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội để chống tham nhũng - Quảng Bình), P117 (Nâng cao nhận thức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phương, thị trấn trong phòng, chống tham nhũng - Thành phố Hồ Chí Minh).

Đề án P141 “Hội thi thiết kế bài giảng phục vụ ngoại khóa giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre” đã tổ chức thi cấp cơ sở và chung kết (ngày 20/5/2012), thu hút hầu hết các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng trong tỉnh tham gia. Nội dung các bài dự thi sáng tạo, phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu, gây được sự chú ý khá lớn trong các nhà trường; tổ chức chấm điểm công bố trao giải trang trọng, khách quan, đưa tin trên truyền hình địa phương. Vòng chung kết thu hút hơn 300 thầy cô giáo, học sinh, sinh viên tham gia.

Đề án 112 đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ giữa Ban Quản lý khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với 12/25 doanh nghiệp đang hoạt động (vượt kế hoạch 5 doanh nghiệp) về phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Ban Quản lý khu Công nghệ. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng bên, cách thức trao đổi, xử lý thông tin về phòng, chống tham nhũng…

Tại diễn đàn “Sinh viên sống đẹp, góp phần chống tham nhũng, bất công” vào ngày 7/5/2012, Đề án P126 đã thu hút được gần 240 người tham gia với nhiều tham luận chất lượng.

Đề án P117 đã thu hút được hơn 200 người tham gia lớp tập huấn về Luật phòng, chống tham nhũng và trao đổi nghiệp vụ về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Với sự hướng dẫn, chỉ đạo của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra huyện Củ Chi, hệ thống các Ban Thanh tra nhân dân hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần vào việc thực hiện quy chế dân chủ và phòng ngừa tham nhũng từ cơ sở.

Ngày 21/5/2012, Đề án P040 về “Tăng cường phổ biến pháp luật và giáo dục đạo đức góp phần phòng, chống tham nhũng” đã tổ chức buổi Tọa đàm “Chuyển hóa lòng tham”, thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử từ các nơi tới chùa Khánh Quới, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Những đề án đạt kết quả cao có đặc điểm chung như: 1) Chủ đề án và người trực tiếp điều hành dự án tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Quảng Ninh, tự giác tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong triển khai và quản lý đề án. 2) Những đề án triển khai thuận lợi thường có chủ đề án là người có vị trí lãnh đạo tại các đơn vị, địa phương, triển khai các hoạt động chính của đề án; chủ đề án có sự chuẩn bị chu đáo như thành lập Ban Quản lý đề án, tìm được những cán bộ có kinh nghiệm, chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn phù hợp vào các vị trí then chốt của đề án. 3) Chủ đề án tranh thủ được sự ủng hộ của sở, ngành chủ quản, lãnh đạo địa phương, thủ trưởng đơn vị nơi triển khai; thường xuyên liên hệ với Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới để trao đổi, tham khảo ý kiến, đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. 4) Việc triển khai đề án nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ các bên liên quan, nhất là đối tượng là người hưởng lợi.

Trong khi đó, một số đề án tổ chức hoạt động chất lượng chưa cao do: 1) Chủ đề án chưa chú trọng công tác chuẩn bị, không có nhân sự phù hợp tại các vị trí then chốt, chưa tuân thủ triệt để các quy trình, nguyên tắc quản lý dự án, không thực hiện đúng tiến độ các hoạt động theo Kế hoạch chi tiết đã được nhà tài trợ phê duyệt. 2) Một số đề án chưa tranh thủ được sự đồng thuận và sự tham gia của chính quyền địa phương, của cơ quan có thẩm quyền; nhất là những đề án về tăng cường tính công khai, minh bạch, đấu tranh với nạn quan liêu, tham nhũng ở cơ sở. 3) Công tác thông tin, tuyên truyền còn yếu, chưa được chú ý đúng mức; nội dung tuyên truyền đơn điệu, thiếu hấp dẫn. 4) Một số đề án Ban Quản lý điều hành ở xa nơi triển khai đề án, cộng tác viên thiếu kinh nghiệm, không đủ thời gian, nhân lực để tổ chức, triển khai hoạt động.

Trong thời gian tới, để đạt kết quả tốt, các đề án cần: Một là, bám sát Kế hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ hoạt động, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nâng cao tính thiết thực, tác động tích cực và tính bền vững của đề án. Hai là, thường xuyên liên hệ, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với Thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo chính quyền, các sở, ban, ngành tại đại phương, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới; giữ mối liên hệ, trao đổi, hỗ trợ giữa các chủ đề án. Ba là, các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục theo dõi, quan tâm tạo điều kiện để đề án được triển khai thuận lợi; có đánh giá, hiệu quả của đề án, nghiên cứu khả năng duy trì, nhân rộng các hoạt động có hiệu quả tích cực phục vụ cho công tác PCTN của ngành, địa phương. Bốn là, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ thường xuyên kiểm tra, giám sát giai đoạn cuối kỳ để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho các đề án; các cơ quan đồng tổ chức thiết kế các hoạt động truyền thông ở cấp độ đề án và toàn chương trình nhằm tạo hiệu ứng tích cực, tăng tính lan tỏa của chương trình VACI.

Thu Thắm

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.