Việc thực hiện khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng
Theo Thông tư, hình thức, tiêu chuẩn như sau:
1. Huân chương Dũng cảm: (1) Dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong toàn quốc. (2) Giá trị tài sản thu hồi từ 500 triệu đồng trở lên (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), từ 300 triệu đồng trở lên (đối với trường hợp nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ). (3) Hy sinh tính mạng hoặc bị thương tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.
2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: (1) Dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng trong phạm vi nhiều bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.(2) Giá trị tài sản thu hồi từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ). (3) Bị thương hoặc tổn hại sức khỏe tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% do tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.
3. Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương: (1) Tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng nghiêm trọng trong phạm vi bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. (2) Giá trị thu hồi từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ).
(3) Bị thương hoặc tổn hại sức khỏe tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.
4. Giấy khen: (1) Có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng được các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở công nhận. (2) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng trong phạm vi cơ sở. (3) Giá trị tài sản thu hồi từ 2 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng (đối với trường hợptham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), từ 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ).
Về hồ sơ, thủ tục khen thưởng, với Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thi đua - khen thưởng. Với Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, gồm: Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; Báo cáo tóm tắt thành tích của cá nhân hoặc cơ quan trình khen thưởng. Với Giấy khen, gồm: Tờ trình của người hoặc cơ quan, đơn vị được phân công lập hồ sơ khen thưởng; Báo cáo thành tích do cá nhân hoặc cơ quan trình khen thưởng.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức Hội nghị biểu dương
cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng năm 2010
Về mức thưởng, ngoài việc thưởng theo Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, còn được thưởng tiền từ Quỹ khen thưởng về PCTN với mức: 30 lần mức lương tối thiểu với Huân chương Dũng cảm; 20 lần với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 lần với Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; 03 lần với Giấy khen.
Như vậy, khi xây dựng Thông tư liên tịch trên, Bộ Nội vụ - Thanh tra Chính phủ khi đã căn cứ vào Luật PCTN, Luật thi đua, khen thưởng và Luật khiếu nại, tố cáo cùng một số nghị định hướng dẫn luật. Những hình thức khen thưởng trong Thông tư này vừa áp dụng cho các loại thành tích chung (theo Luật thi đua, khen thưởng) vừa áp dụng hình thức khen thưởng đặc thù khi PCTN là lĩnh vực đặc biệt khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Qua đó, thể hiện thái độ, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với công tác PCTN nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng; tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng; tuyên truyền nhân tố mới và điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ, động viên tính tích cực của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Để Thông tư liên tịch 03 về khen thưởng người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng sớm được áp dụng vào cuộc sống; có hiệu lực, hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung, hoàn thiện một số vướng mắc sau đây:
Một là, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá; quy trình lựa chọn cá nhân khen thưởng
Theo Luật thi đua, khen thưởng, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP thì việc lựa chọn, giới thiệu cá nhân để khen thưởng phải được giới thiệu, bình bầu từ cơ sở, phải có tờ trình của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn. Lâu nay, do thói quen tư duy về khen thưởng thường là biểu dương, khen thưởng cái hay, cái tốt theo kiểu thuận chiều. Giờ đây, những người được khen thưởng là tố cáo, phát hiện tham nhũng lại là khen thưởng theo kiểu nghịch chiều (thành tích của người này là khuyết điểm của người khác), không dễ dàng gì được chấp nhận. Thực tế cho thấy, trước khi Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức các cuộc gặp mặt, vinh danh những người có thành tích PCTN trên cả nước, việc lựa chọn đại biểu về tham dự đã gặp không ít khó khăn từ các cơ quan, đơn vị và địa phương. (Trường hợp ông Đinh Đình Phú, người từng được báo chí vinh danh trong vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Văn phòng Ban Chỉ đạo có đề nghị mời ông dự cuộc gặp tuyên dương, nhưng địa phương không đồng ý).
Việc xác định, đánh giá đúng thành tích của người tố cáo cũng là vấn đề khó khăn. Ví như, người có công tố giác, do nguồn thông tin nắm được chỉ đủ căn cứ tố giác việc tham nhũng 10 triệu đồng. Nhưng sau đó, cơ quan tố tụng phát hiện quy mô tham nhũng tới 10 tỷ đồng. Lúc ấy, đánh giá thành tích của người tố giác thế nào?
Hai là, cần xây dựng Quỹ khen thưởng về PCTN
Theo Nghị định số 120/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mục đích, nguồn trích lập, việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng. Theo đó, Quỹ khen thưởng về PCTN thuộc quyền quản lý, sử dụng của Ban Chỉ đạo Trung ương mà trực tiếp tham mưu là Văn phòng Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn nội dung này (về thủ tục chuyển và nhận tiền vào Quỹ; quy chế quản lý, sử dụng và trình tự các bước khen thưởng…) và Quỹ khen thưởng chưa được hình thành. Thực tế thời gian qua, để kịp thời khen thưởng cho những người đã tố giác tham nhũng trong khi chưa có văn bản quy định và quỹ khen thưởng, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và một số Văn phòng Ban Chỉ đạo địa phương đã phải vận dụng quy định về mua tin tố giác tham nhũng. Mục đích là thưởng công, nhưng đã phải đội mũ là “tiền mua tin”… (Ngày 18/01/2012, Ban Chỉ đạo tỉnh Kon Tum về PCTN đã ban hành Quy chế “chi trả tiền cho người cung cấp thông tin về PCTN”).
Đàm Văn Lợi
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)