Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác PCTN

Thứ Ba, 01/05/2012, 18:00 [GMT+7]

Năm 2007, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong PCTN tiếp tục được đề cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân-Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh vừa có trách nhiệm triển khai, chỉ đạo công tác PCTN trong cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh với vai trò là người đứng đầu một cơ quan nhà nước, vừa có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác PCTN trong phạm vi địa phương, đồng thời lại có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp công tác PCTN giữa các cơ quan trong khối hành pháp, tư pháp của địa phương, cơ quan đảng và cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo

Có thể nói, phạm vi trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác PCTN khá rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN.

I. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với vai trò là người đứng đầu cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh, theo quy định của phápluật PCTN, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; chỉ đạo việc tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng; chỉ đạo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng; chỉ đạo các biện pháp để đảm bảo sự chủ động trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; chỉ đạo để đảm bảo kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng; gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về PCTN, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan do mình quản lý; thực hiện nhiệm vụ, công vụ đúng quy định của pháp luật; kê khai tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của việc kê khai đó.

Nhìn chung, trong việc triển khai công tác PCTN tại cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tương tự như trách nhiệm của bất cứ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nào khác. Tuy nhiên, trách nhiệm này lại có đặc điểm khác so với nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sự tích cực, chủ động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác PCTN tại cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh có tác động rất lớn đến ý thức trách nhiệm, quyết tâm, hành động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thuộc tỉnh. Ở cấp tỉnh, thông tin về việc cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp PCTN tác động rất nhanh đến các huyện, thị, sở, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh và có tác dụng đôn đốc, nhắc nhở, thúc đẩy việc thực hiện ở các cơ quan này.

Thứ hai, việc chỉ đạo thực hiện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thường trở thành “tiền lệ” hoặc được coi là kinh nghiệm, “hướng dẫn kỹ thuật” để các sở, ngành, huyện, thị xã, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh học tập, làm theo.

Thứ ba, một tỉnh không thể được đánh giá cao về công tác PCTN nếu như Chủ tịch tỉnh đó thực hiện không tốt trách nhiệm của mình trong PCTN ngay tại cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh.

II. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với vai trò là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về PCTN cấp tỉnh

Căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật về PCTN thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước; chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PCTN trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả những nội dung thuộc trách nhiệm chung của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đó là:

1. Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCTN, theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành và định kỳ rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch để điều chỉnh, bổ sung; bảo đảm cho kế hoạch có tính khả thi và hiệu quả cao.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.

3. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để loại bỏ những nội dung, quy định không phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, chồng chéo, dễ gây điều kiện nhũng nhiễu, khó khăn, mất thời gian của nhân dân và doanh nghiệp; rà soát lại toàn bộ quy trình làm việc, quy trình công tác của Ủy ban nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành nhằm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với quy định của Luật PCTN.

4. Chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

5. Chỉ đạo giải quyết tố cáo tham nhũng, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý tham nhũng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, giải quyết các trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc thực hiện công tác giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân còn có trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin về công tác PCTN ở địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu chung về PCTN; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN; sơ kết, tổng kết, đánh giá, báo cáo và công khai kết quả PCTN…

III. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN

Thứ nhất, xây dựng chương trình, kế hoạch PCTN ở địa phương; tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch đó;

Thứ hai, chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng;

Thứ ba, chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN, góp phần bảo đảm cho công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

Thứ tư, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc tham nhũng ở địa phương theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN;

Thứ 5, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN ở địa phương, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về PCTN;

Thứ 6, định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo  Trung ương về PCTN về tình hình, kết quả PCTN ở địa phương và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN.

Ngô Mạnh Hùng (Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ)

Vũ Huệ (Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.