Một số nguyên nhân dẫn đến tội phạm về tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua và những giải pháp
Các tội danh chủ yếu là: “tham ô tài sản”, “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”, “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Các thủ đoạn phạm tội, tham nhũng điển hình của cán bộ ngân hàng là chủ động thực hiện hành vi phạm tội, hoặc bị lôi kéo, mua chuộc tiếp tay cho tội phạm ngoài ngành ngân hàng, hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; của đối tượng ngoài ngành ngân hàng là lừa đảo, có sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay của cán bộ ngân hàng.
Hội nghị chuyên đề về phòng, chống sai phạm tham nhũng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 30/11/2011
Nguyên nhân
- Thứ nhất, do chính sách pháp luật và một số quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn nhiều sơ hở, dễ bị các đối tượng lợi dụng. Trong hoạt động cho vay, cách thu thập thông tin ở một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ, chấm điểm tín dụng vẫn dựa nhiều thông tin về tài sản thế chấp do khách hàng cung cấp, hoặc dựa vào sự tin tưởng trong một số giao dịch ban đầu, thiếu kiểm chứng. Đây chính là nguyên nhân khiến nợ xấu trong ngành ngân hàng còn ở mức cao, thậm chí một số khoản cho vay có nguy cơ mất trắng do không có khả năng và tài sản bảo đảm để thu hồi.
- Thứ hai, trong thời gian qua các ngân hàng đã xảy ra sự tăng trưởng quá nóng về lượng mà thiếu nâng cao về chất (các ngân hàng mở rộng nhiều chi nhánh, phòng giao dịch để thu hút khách hàng và huy động vốn, trong khi đó ngành ngân hàng thiếu hụt cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực). Do nặng về chỉ tiêu doanh thu, cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường theo diện rộng, nên một số người đứng đầu các ngân hàng áp dụng mọi hình thức kinh doanh (cho dù có rủi ro cao) để thu hút khách hàng, vô tình tạo sơ hở cho một số cán bộ ngân hàng, một số khách hàng lợi dụng xu hướng này để trục lợi thông qua các hành vi như: nhận hối lộ, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho cá nhân, tổ chức vay tiền của ngân hàng không đảm bảo quy định (như thẩm định hồ sơ không đúng quy định; nâng giá trị tài sản thế chấp; đảo nợ trái pháp luật…). Nhiều ngân hàng chưa thực hiện đúng các quy định nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm này; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tổ chức, con người và tài sản còn là khâu yếu trong các tổ chức tín dụng, ngân hàng, một số khâu công việc bị buông lỏng; cán bộ chủ quan, thiếu trách nhiệm, thậm chí là vụ lợi khi thực hiện nhiệm vụ.
- Thứ ba, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN trong nhiều ngân hàng chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ làm công tác PCTN thường là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác này; trách nhiệm của người đứng đầu trong một số ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước, ngân hàng Thương mại Nhà nước và Ngân hàng chính sách - xã hội) về công tác PCTN chưa được phát huy đúng mức và chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật PCTN quy định như: rà soát, bổ sung về cơ chế, chính sách; công khai, minh bạch trong hoạt động.
- Thứ tư, một bộ phận không nhỏ cán bộ ngành ngân hàng yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kém về phẩm chất, đạo đức, nên dễ nảy sinh lòng tham; bỏ qua hoặc không tuân thủ những quy định bắt buộc của ngành. Một số cán bộ ngân hàng bị các đối tượng phạm tội ngoài ngành ngân hàng lôi kéo, mua chuộc (cờ bạc, ham làm giàu bằng mọi giá, kinh doanh chứng khoán, nhà đất...) dẫn đến phạm tội một cách liều lĩnh.
Một số ngân hàng chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức cho các cán bộ, nhất là những cán bộ tại các vị trí công tác nhạy cảm liên quan trực tiếp đến tiền bạc, tài sản, do đó không nắm bắt được diễn biến tâm lý cũng như hành vi sai phạm của cán bộ trong tổ chức, đơn vị.
Công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và bố trí cán bộ trong một số ngân hàng còn bất cập. Quy luật kinh tế thị trường có nhiều thay đổi, nhưng ngành ngân hàng chưa quan tâm đầy đủ việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cũng như phổ biến các thủ đoạn phạm tội mới của bọn tội phạm nhằm giúp cho cán bộ ngân hàng nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm hơn với công việc.
- Thứ năm, việc chủ động phát hiện tội phạm về tham nhũng trong nội bộ tổ chức ngân hàng vẫn là khâu yếu; công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng và kiểm soát nội bộ của các ngân hàng trong việc phát hiện tội phạm về tham nhũng chưa hiệu quả. Các vụ vi phạm chỉ được phát hiện khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng, mặc dù Cơ quan điều tra tích cực áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt nhưng kết quả hầu như không đáng kể.
- Thứ sáu, công tác xử lý vi phạm, tội phạm về tham nhũng trong ngành ngân hàng chưa nghiêm. Có trường hợp người đứng đầu đơn vị ngân hàng sợ ảnh hưởng uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, sợ liên quan đến trách nhiệm, e ngại khi phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm trong nội bộ cũng như công khai thông tin vi phạm tại đơn vị, tổ chức của mình, do vậy, nhiều vi phạm trong nội bộ bị bưng bít hoặc xử lý nội bộ, không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền; việc phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu giữa một số đơn vị ngân hàng với cơ quan chức năng chưa kịp thời, kém hiệu quả.
Đề xuất một số giải pháp
- Kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phối hợp với các Ban Đảng Trung ương, Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương tăng cường công tác xây dựng Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ngành ngân hàng; phối hợp với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát công tác PCTN trong hoạt động ngân hàng; chỉ đạo ngành ngân hàng phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt các nhiệm vụ: xử lý nghiêm khắc, dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra; rà soát cơ chế, chính sách tài chính ngân hàng trong thời gian qua còn nhiều kẽ hở, kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định.
- Đối với hệ thống ngân hàng: thực hiện từng bước, có hiệu quả giải pháp quan trọng được Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) chỉ rõ, đó là: “tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính…”; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm soát toàn ngành đủ mạnh để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm hiệu quả nhất;
Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm của tổ chức tín dụng, ngân hàng nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có hiệu quả. Các ngân hàng cần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, cán bộ kiêm nhiệm công tác PCTN, bộ phận kiểm soát nội bộ trong ngân hàng nhằm ngăn chặn vi phạm xảy ra, chủ động phát hiện vi phạm, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Chú trọng thực hiện đúng quy trình và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ; rà soát quy trình, thủ tục cấp phép, quá trình đánh giá hoạt động quản trị, điều hành và năng lực, phẩm chất đạo đức của Hội đồng quản trị, ban điều hành của các Tổ chức tín dụng bảo đảm không bị lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội; sơ kết, tổng kết việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
- Đối với Bộ Công an: Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy chế đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành ngân hàng; tăng cường chỉ đạo, đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao trong ngành ngân hàng; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tội phạm ngành ngân hàng, hạn chế thấp nhất các thiệt hại; quan tâm phối hợp với ngành ngân hàng trong công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng; chủ động phát hiện, ngăn chặn vi phạm, tội phạm về tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
- Các bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phạm vi trách nhiệm của ngành mình phối hợp với ngành ngân hàng, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.
Nguyễn Hải Trâm