Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng tại Hàn Quốc
Trong những năm 90 của thập kỷ trước, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tình hình tham nhũng ở Hàn Quốc cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Theo một số chuyên gia của Ngân hàng thế giới thì nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng tràn lan ở Hàn Quốc, là do trong quá trình phát triển kinh tế, tham nhũng bắt đầu gia tăng do có quá nhiều quy định về thể lệ cấp phép và các loại giấy tờ tương tự. Về khía cạnh chính trị có quá nhiều những quy định thiếu thực tế và không cần thiết; một số thủ tục hành chính phức tạp, không rõ ràng; bên cạnh đó thu nhập của công chức còn thấp, nên họ đã tham nhũng để bù đắp những thiếu hụt trong cuộc sống. Việc xử lý các vụ việc đưa và nhận hối chưa nghiêm khắc, chưa mang tính răn đe...
Trước tình hình tham nhũng xảy ra tràn lan, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực tìm mọi biện pháp nhằm kiềm chế và tiêu diệt tận gốc tệ nạn này. Chính phủ cho rằng, muốn đất nước phát triển thì xã hội phải trong sạch (vì cứ 1USD dùng trong hối lộ gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 1,7USD), họ cho rằng nếu chỉ số trong sạch (CPI) càng cao thì thu nhập bình quân đầu người cũng được nâng lên đáng kể (CPI tăng 1% thì GDP tăng 25%). Hiện nay mỗi năm số tiền tham nhũng trên thế giới chiếm tới 3% GDP.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp đoàn cán bộ
Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp như học tập kinh nghiệm chống tham nhũng ở nước ngoài; tiến hành đồng bộ các biện pháp xây dựng hệ thống pháp luật chống tham nhũng; cải cách thể chế hành chính; cải thiện mức sống của cán bộ, công chức; tăng cường mối quan hệ đối ngoại và phối hợp chống tham nhũng trên cả bình diện quốc gia và quốc tế. Trong đó, xây dựng luật được xem là nền tảng, là cơ sở pháp lý cho công cuộc chống tham nhũng. Luật chống tham nhũng được Hàn Quốc ban hành ngày 24/7/2001 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất để phòng, chống tham nhũng. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), Chính phủ Hàn Quốc coi trọng các biện pháp “phòng” hơn là “chống”. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng không chỉ được quy định trong Luật chống tham nhũng mà còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác, như : quy tắc ứng xử của công chức, pháp luật về kiểm toán và thanh tra, pháp luật về lương và điều kiện xã hội, các chương trình chống tham nhũng trên toàn quốc. Nhìn chung, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tương đối đa dạng, đòi hỏi sự tham gia với tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội....
Để PCTN hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp, như :
1- Tăng cường hệ thống pháp luật về PCTN và hệ thống cơ quan PCTN
Để tạo cơ sở cho hoạt động PCTN, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh. Các văn bản pháp luật nói chung và Luật chống tham nhũng ở Hàn Quốc đều có đặc điểm chung là rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Luật chống tham nhũng của Hàn Quốc xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, của công chức và của công dân nói chung trong việc chống tham nhũng. Quy định về bảo vệ, khen thưởng người trình báo (tố cáo) tham nhũng...
Trong hệ thống pháp luật chống tham nhũng của Hàn Quốc, cơ quan chống tham nhũng (Cảnh sát, Viện Kiểm toán và thanh tra, Viện kiểm sát, Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc v.v...) giữ một vị trí quan trọng và được phân định trách nhiệm rõ ràng, được trao quyền rất lớn và hoạt động độc lập (chỉ tuân theo pháp luật). Ủy ban PCTN trước đây, nay là Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) trực thuộc Tổng thống được thành lập năm 2002, người đứng đầu Ủy ban được Tổng thống chỉ định, Ủy ban này được thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để PCTN; đề ra và đánh giá các chính sách chống tham nhũng; đánh giá mức độ trong sạch trong các cơ quan hành chính; tuyên truyền, giáo dục về PCTN; bồi thường, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ngoài ACRC ra, còn nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng được phân bố trên phạm vi toàn quốc và hoạt động mạnh trong những lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng, như xây dựng cơ bản, y tế giáo dục, chính sách xã hội, thuế, hải quan.v.v...
2- Cải cách thủ tục hành chính
Chính phủ Hàn Quốc chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực dễ tham nhũng. Việc cải cách được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: xây dựng và khai thác triệt để chính phủ điện tử, thiết lập và mở rộng hệ thống thủ tục khiếu nại công dân trực tuyến, mọi thông tin, cấp phép, xin phép, nộp thuế, khai hải quan .v.v... đều thực hiện thông qua mạng Internet. Việc sử dụng mạng Internet đã hạn chế công chức tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, từ đó không có điều kiện để vòi vĩnh. Hơn nữa thông qua chính phủ điện tử vừa mang tính công khai, minh bạch vừa giảm thiểu được thời gian, chi phí đi lại.
3- Xây dựng đội ngũ công chức có tư cách đạo đức, thực thi nhiệm vụ công bằng, nghiêm minh.
Công chức được coi là nòng cốt, vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng việc giáo dục công chức về liêm chính. Họ cho rằng, nếu công chức tốt, trong sạch thì sẽ hạn chế tham nhũng. Vì vậy, hàng năm ACRC bằng nhiều hình thức và chương trình khác nhau tổ chức tuyên truyền, giáo dục công chức về liêm chính, trong sạch. Luật chống tham nhũng quy định công chức nhà nước phải có trách nhiệm trình báo về các hành vi tham nhũng, việc trình báo này được thực hiện bằng văn bản để đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Đồng thời, quy định công chức trong thực thi công việc không được thiên vị bất kỳ người nào vì lý do quê quán, quan hệ huyết thống hay học cùng. Công chức không được lợi dụng vị trí, quyền hạn để trục lợi cá nhân; không được nhận tiền, vật chất có giá trị, bất động sản, cổ phiếu. Khi cấp trên đưa ra một chỉ đạo không phù hợp, không công bằng, nhằm trục lợi cá nhân…, công chức có quyền từ chối không tuân thủ, nhưng phải giải thích .v.v…
4- Tuyên truyền giáo dục người dân về tác hại của tham nhũng
Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh việc “phòng”, hơn “chống”, vì vậy công tác giáo dục PCTN được thực hiện triệt để. Giáo dục liêm chính được đưa vào các trường học, từ mầm non cho đến bậc đại học. Đối với trường mẫu giáo, các cháu được học về tính thật thà, ngay thẳng. Nhiều nội dung liên quan đến tham nhũng đã được đưa vào hệ thống sách giáo khoa giảng dạy ở bậc tiểu học và phổ thông để thế hệ tiếp theo có thể làm quen và ý thức được hậu quả của việc tham nhũng, lên án tham nhũng. Việc tuyên truyền để người dân nhận biết về hành vi tham nhũng, tác hại của tham nhũng bằng nhiều hình thức phong phú, như xây dựng và phát các vở kịch, phim tài liệu, phân phát tài liệu… đã mang lại hiệu quả thiết thực.
5- Tăng cường vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác PCTN
Báo chí được coi là lực lượng chủ yếu và có vai trò rất lớn trong tuyên truyền, vận động người dân, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh PCTN. Báo chí cung cấp thông tin kịp thời, khách quan tình hình tham nhũng. Đồng thời, nêu gương các điển hình trong công tác PCTN. Báo chí còn là cầu nối giữa người dân và các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật về PCTN. Vì vậy, các cơ quan sử dụng báo chí như một công cụ, một lực lượng hữu hiệu để thúc đẩy phong trào chống tham nhũng và thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia chống tham nhũng.
6- Khuyến khích việc phát hiện và trừng trị tham nhũng
Luật chống tham nhũng Hàn Quốc quy định rất chặt chẽ việc phát hiện và trừng trị tham nhũng; việc trình báo, tiếp nhận trình báo và xử lý tin tức về các vụ việc tham nhũng; việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe và vị trí công tác của người trình báo; khen thưởng và tặng thưởng cho người tố cáo đúng hành vi tham nhũng.
Trong đấu tranh chống tham nhũng, Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao vai trò của báo chí, các tổ chức quần chúng và người dân. Chính phủ Hàn Quốc xác định, nhân dân là động lực, là lực lượng to lớn có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Hàn Quốc coi việc chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn xã hội và cho rằng chỉ khi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thì mới có thể chống tham nhũng có hiệu quả được. Luật chống tham nhũng quy định, mọi công dân đều có nhiệm vụ tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước để thực hiện chính sách và chương trình chống tham nhũng. Đồng thời, quy định người dân có quyền yêu cầu cơ quan chống tham nhũng thanh tra các trường hợp nghi ngờ có tham nhũng. Thực tiễn ở Hàn Quốc cho thấy, người dân có vai trò rất lớn trong đấu tranh chống tham nhũng. Nhân dân là người đánh giá thực trạng tham nhũng; đánh giá hiệu quả các chương trình, chiến lược chống tham nhũng của Chính phủ. Ý kiến của người dân là cơ sở để hoạch định chính sách, để phát hiện tham nhũng. Nhân dân còn là lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng.
Nguyễn Nga
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)