Chương trình công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục về phòng, chống tham nhũng
1. Chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác thông tin, tuyên truyền
- Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo, Báo Đảng, Đài Phát thanh - Truyền hình, Sở Thông tin - Truyền thông, Hội nhà báo với hình thức giao ban 01 tháng hoặc 3 tháng/lần, địa điểm luân phiên. Cơ quan chủ trì là Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin - Truyền thông (có vụ việc, vụ án tham nhũng cụ thể, có thể mời một trong số các cơ quan: thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử báo cáo tình hình, tiến độ, kết quả). Văn phòng Ban Chỉ đạo chuẩn bị báo cáo chung, chú trọng thông tin báo chí trung ương, báo chí địa phương về vụ việc, vụ án tham nhũng; kết quả xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại về tham nhũng; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng. Hội nghị giao ban tập trung rà soát thông tin PCTN trên chuyên trang, chuyên mục báo chí; thông báo chủ trương, quan điểm của cấp ủy đảng, chính quyền; tổng hợp phản ánh, trao đổi thông tin; bàn và thống nhất phối hợp xử lý thông tin; định hướng thông tin và dư luận xã hội.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo cử báo cáo viên tham gia với Ban Tuyên giáo thực hiện tuyên truyền miệng trong Hội nghị báo cáo viên; tuyên truyền trên Tạp chí (hoặc Bản tin) sinh hoạt chi bộ.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng các phóng sự điều tra về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc tổng hợp tin tức sự kiện tình hình tham nhũng. Đối với các phóng sự điều tra này, chủ đề do Văn phòng Ban Chỉ đạo lựa chọn, hỗ trợ một phần kinh phí và tham gia chỉ đạo tổ chức thực hiện.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có thể sử dụng thông tin của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương, bổ sung nội dung thông tin của cấp tỉnh, biên tập thành tài liệu phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin từ Điểm báo tuần; phản ánh hoạt động PCTN của địa phương trên các phương tiện thông tin của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương; phối hợp đôn đốc vụ việc tham nhũng tại địa phương do báo chí trung ương phản ánh.
Hội nghị tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 tại Bình Dương
2. Chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác giáo dục
- Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Trường Chính trị, Sở Giáo dục - Đào tạo đôn đốc, kiểm tra thực hiện Đề án 137 của Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, phổ thông trung học); tham gia nội dung giáo dục PCTN lồng ghép trong chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên; tham gia giảng viên kiêm chức (báo cáo chuyên đề) đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị cấp tỉnh hoặc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ cấp huyện.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức tập huấn nội dung PCTN cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Để phù hợp đặc điểm tâm lý người lãnh đạo, quản lý, không nên nêu tiêu đề “Tập huấn kiến thức”, nên sử dụng tiêu đề: “Bồi dưỡng kiến thức” hoặc “Thông tin chuyên đề”. Số lượng từ 02 - 03 chuyên đề; thời gian tổ chức ½ ngày; quy mô tổ chức từ 120 - 150 người; báo cáo viên kết hợp cả trung ương và địa phương.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách công tác PCTN. Với các đối tượng này, phương pháp chính không nên là thuyết giảng, giáo huấn mà nên sử dụng phương pháp nêu vấn đề; gợi ý trao đổi, thảo luận; trả lời thắc mắc; xử lý các tình huống.
3. Một số hoạt động khác
- Tổ chức phối hợp tuyên truyền, cổ động, biểu dương, khen thưởng nhân tố mới và điển hình tiên tiến trong PCTN và bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.
- Tổ chức thăm dò dư luận xã hội về PCTN, có thể phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc cấp tỉnh tự tiến hành.
- Tham mưu bài viết cho đồng chí lãnh đạo chủ chốt về quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp PCTN (trên diễn đàn cơ quan ngôn luận Trung ương và địa phương).
- Xây dựng, tổ chức, hoạt động của bản tin hoặc thông tin điện tử (trong cổng Thông tin của UBND cấp tỉnh).
4. Một số điểm cần lưu ý
Chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN là công việc khó khăn, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực tế, cần lưu ý: (1) Căn cứ khả năng thực tế về người lãnh đạo, chỉ đạo, đặc điểm địa phương, lực lượng cán bộ (chuyên trách và kiêm nhiệm, cộng tác viên), kinh phí, phương tiện, thời điểm, đối tượng... để lựa chọn công việc ưu tiên, chỉ tổ chức sự kiện khi chuẩn bị thật chu đáo. (2) Dự báo hậu quả mỗi công việc để có phương án chủ động xử lý, tránh bị động sau tổ chức sự kiện. (3) Mỗi sự kiện tổ chức phải có kế hoạch riêng, được phê duyệt. (4) Tranh thủ sự chỉ đạo trực tiếp của thường trực cấp ủy, chính quyền; sự giúp đỡ về tài liệu và báo cáo viên của các cơ quan trung ương; tiếp thu kinh nghiệm của các địa phương trong khu vực hoặc tương đồng đã tiến hành công việc.
Ngô Đức Hòa
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)