Hòa Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động tư pháp
Thứ Hai, 02/06/2014, 09:49 [GMT+7]
Ngày 30-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Kết luận số 92-KL/TƯ, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã phổ biến, quán triệt 4 nội dung trọng tâm của Kế luận số 92 về: Tình hình triển khai thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp; việc tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp trong thời gian tới; thời hạn bổ nhiệm và tuổi nghỉ hưu của thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng được phổ biến, nghiên cứu những nội dung cơ bản Báo cáo số 35-BC/CCTP, ngày 12-3-2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; quán triệt nội dung Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 5-5-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhấn mạnh, hoạt động tư pháp thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được nâng cao. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức được củng cố về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với các cơ quan tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp với nhau tiếp tục được tăng cường, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành và các cơ quan tư pháp căn cứ Kế hoạch số 92 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện ở địa phương, đơn vị nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Cải các tư pháp đến năm 2020. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp đảm bảo toàn diện và hiệu quả hơn.
Cùng với đó, ban chỉ đạo cải các tư pháp từ tỉnh đến các huyện, thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu giúp cấp uỷ cùng cấp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ cải các tư pháp; chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động tư pháp.
Thảo Quyên
(Đài PT-TH tỉnh Hòa Bình)
;