Hà Nam: Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng
(BNCTW) - Ngày 17-5-2014, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Xuân Lộc, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; 160 đại biểu các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh, Bí thư các Thị ủy, Huyện ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, giám đốc các doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng trên địa bàn. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương dự Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Tỉnh ủy Hà Nam nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch về giải quyết thủ tục hành chính, đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án kinh tế, xã hội, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên; công tác tự kiểm tra, giám sát chưa nhiều; việc phòng ngừa ở một số cơ quan, tổ chức còn hình thức; nhận thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng chưa cao, chưa thực sự gương mẫu hoặc còn nể nang, né tránh; năng lực của cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu…
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đã tập trung đánh giá, làm rõ kết quả, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng ở lĩnh vực, đơn vị, địa phương mình quản lý; phân tích nguyên nhân dự báo tình hình tham nhũng; trao đổi những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Thông báo với Hội nghị về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đi sâu phân tích các bước đột phá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương trong năm qua, đó là: Đột phá trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc vụ án tham nhũng, đặc biệt tập trung vào công tác điều tra, truy tố, xét xử. Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát các khâu điều tra, truy tố, xét xử. Hai khâu đột phá này đã thu được những kết quả bước đầu: Việc xử lý các vụ án tham nhũng được đẩy nhanh; đối tượng phạm tội được mở rộng, qua đó đảm bảo không để lọt người, lọt tội; mức án đủ nghiêm minh; tình hình tội phạm tham nhũng hưởng án treo được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị trong thời gian tới Tỉnh ủy Hà Nam tập trung vào những mặt công tác sau: Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, dựa trên các quy định của Trung ương. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt chú trọng công tác điều tra, truy tố, xét xử. Hoàn thiện bộ máy tổ chức của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; quan tâm tới công tác cán bộ, tuyển chọn được những người có trình độ, tâm huyết làm công tác phòng, chống tham nhũng. Đề cao vai trò của các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tổ chức thực hiện các quy định của Đảng về giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên trong việc thực hiện chính sách pháp luật và thực thi công vụ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW theo đó, Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Trần Xuân Lộc, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò tham mưu và nâng cao năng lực phối hợp của các cơ quan trong khối nội chính. Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; công khai trong cung cấp thông tin, các cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức và nhân dân được tham gia giám sát việc thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, nhất là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, xử lý nghiêm minh, kịp thời để răn đe. Đồng chí Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tạo dựng một môi trường lành mạnh cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Cù Tất Dũng