Thừa Thiên Huế: Kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2013
Báo cáo của Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thừa Thiên Huế cho thấy, công tác tư pháp năm 2013 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực, bám sát chương trình công tác tư pháp trọng tâm của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Chất lượng và tiến độ công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, thời gian thẩm định rút ngắn, được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đáp ứng yêu cầu của các kỳ họp HĐND và chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố Huế. Đã tiếp nhận, thẩm định 91 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 23 Nghị quyết của HĐND do UBND tỉnh trình và 60 Quyết định, 08 Chỉ thị của UBND tỉnh do các Sở, ngành soạn thảo trưng cầu. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính được Sở Tư pháp triển khai đảm bảo theo kế hoạch. Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế |
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được duy trì, chủ động triển khai có hiệu quả, nhiều hình thức phổ biến sử dụng phù hợp, có hiệu quả với từng nhóm đối tượng. Phối hợp cùng với các Sở, ngành liên quan tổ chức 6 Hội nghị triển khai, phổ biến 15 văn bản pháp luật mới cho 900 lượt cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, các Sở ngành và cơ quan trung ương tại địa phương. Sau Hội nghị ở cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức 2.631 Hội nghị phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật tại địa bàn huyện, xã, phường, thị trấn cho 148.166 lượt người tham gia.
Định kỳ biên tập, biên soạn tin bài trên chuyên mục ‘‘Giới thiệu văn bản pháp luật’’ của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chuyên mục ‘‘Hỏi – đáp pháp luật’’ và Chuyên trang Tư pháp trên Báo Thừa Thiên Huế; nâng cấp và triển khai nhiều nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp. Biên soạn, biên tập và phát hành Bản tin tư pháp, sách ‘‘Pháp luật với công dân’’, ‘‘Nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật’’, ‘‘Những điều cần biết về pháp luật phòng, chống tham nhũng’’ và 2 tập tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Hoạt động trợ giúp pháp lý được nâng cao về chất lượng, từng bước thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành, bảo đảm thông tin pháp luật được kịp thời, chính xác đến người nghèo, đối tượng chính sách. Trung tâm và các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn 703 vụ việc tại trụ sở và qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 51 xã, phường, thị trấn thuộc 08/9 đơn vị cấp huyện, thu hút hơn 2.000 lượt người tham gia. Cử Trợ giúp viên và Luật sư là cộng tác viên thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 164 đối tượng thuộc diện được trợ giúp tại Tòa án nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố Huế. Hiện có 78 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn và xã thuộc Chương trình giảm nghèo.
Tổ chức thanh tra hành chính tại Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2; thanh tra chuyên ngành về chấp hành pháp luật luật sư tại Văn phòng luật sư Bảo Cường và công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Ngọc Hạnh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh; thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về công chứng tại Văn phòng Công chứng Nam Thanh, An Phú Gia và kiểm tra việc thực hiện sau Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bán đấu giá tài sản tại Chi nhánh Công ty DATC tại Huế.
Tiếp nhận 17 đơn phản ánh, kiến nghị của công dân (không có đơn tố cáo), trong đó có 15 đơn không thuộc thẩm quyền đã hướng dẫn và lưu đơn; 02 đơn thuộc thẩm quyền đã tham mưu giải quyết theo quy định. Lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 16 trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn, 01 trường hợp doanh nghiệp không thông báo về việc đăng ký kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư pháp năm 2014 tại Thừa Thiên Huế gồm:
Bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội và chương trình, nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2014 của Bộ Tư pháp để chủ động tham mưu, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ mới liên quan đến việc triển khai, thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giám định tư pháp, Luật hòa giải cơ sở; Kiểm soát thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; đưa các lĩnh vực công tác này thực sự đến gần với người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn đảm bảo biên chế công chức tư pháp – hộ tịch ở cấp xã. Xây dựng và phát triển đội ngũ công chức tư pháp giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Quý Trọng