Tòa án nhân dân tối cao: Tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Thứ Sáu, 16/08/2013, 15:26 [GMT+7]

Ngày 14-8-2013, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý kiến Dự thảo Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong ngành Tòa án nhân dân. Ðồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Ðảng, Bí thư Ban Cán sự Ðảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo, qua 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Tòa án, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án từng bước được nâng lên; công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật được chú trọng và đạt hiệu quả, đã thể chế hóa được nhiều nội dung tiến bộ mà Nghị quyết số 49 đề ra.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng các các dự thảo luật, pháp lệnh được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán thấp. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản được đảm bảo đúng người, đúng tội, hạn chế thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chưa giảm mạnh. Việc đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án chưa thật sự toàn diện, sâu rộng do thiếu hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương thức thể hiện để áp dụng thống nhất. Việc xác định vị trí, vai trò "trung tâm" của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp và hoạt động xét xử là "trọng tâm" trong hoạt động tư pháp, mặc dù  đã từng bước được thể chế hóa trong các quy định về tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhưng nhìn chung còn mờ nhạt.

Thời gian tới, phương hướng trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong ngành Tòa án nhân dân xác định việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đảm bảo các phán quyết của tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý và niềm tin cho xã hội và nhân dân; xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động xét xử của các cấp Tòa án.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tòa án trong sạch, vững mạnh; đề cao công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán, cán bộ công chức ngành tòa án nhân dân. Đây là khâu đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới ngành Tòa án tiếp tục chủ động tham gia nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và xây dựng dự án luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); triển khai thành lập hệ thống tòa án nhân dân theo mô hình tòa án 4 cấp, trong đó xác định tòa án là trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm trong cải cách tư pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

                                                                  Vân Anh

                                                    (Đài Truyền hình Việt Nam)

;
.