Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động tư pháp

Thứ Ba, 06/08/2013, 14:56 [GMT+7]

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp, góp phần tích cực vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Tăng cường ký kết và thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự

VKSNDTC đã xây dựng kế hoạch dài hạn đàm phán, ký kết điều ước quốc tế; xây dựng Hiệp định Mẫu tương trợ tư pháp về hình sự. Trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đàm phán thành công 03 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước In-đô-nê-xi-a, Nam Phi và Ô-xtrây-li-a. Đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước: Tây Ban Nha, Campuchia, Ca-dắc-xtan, Pháp, Séc, Hungary....

Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đàm phán tại In-đô-nê-xi-a (tháng 9-2012)
Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đàm phán tại In-đô-nê-xi-a (tháng 9-2012)

Thực hiện chức năng của Cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự, từ tháng 7/2005 đến nay, VKSNDTC đã tiếp nhận, xử lý 982 hồ sơ, công văn liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; 413 hồ sơ, công văn liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ.

Kết quả công tác tương trợ tư pháp đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước giải quyết được những vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có một số vụ nghiêm trọng, phức tạp như vụ PCI, vụ Vinashin…

Mở rộng hợp tác song phương và đa phương

VKSNDTC đã ký 11 Thỏa thuận hợp tác song phương với Viện kiểm sát, Viện Công tố, Cơ quan Tổng Chưởng lý và cơ sở đào tạo pháp luật các nước. Viện kiểm sát các địa phương đã ký 13 biên bản thỏa thuận hợp tác với Viện kiểm sát các tỉnh của Trung Quốc và Lào. Nội dung tập trung vào các lĩnh vực: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát; nghiên cứu pháp luật, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn; hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế…

Đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 năm 2009. Đề ra sáng kiến và phối hợp với VKSNDTC Lào tổ chức thành công 3 Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào (năm 2009, 2011 và 2013).

Các đại biểu dự Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3 (tháng 6/2013)
Các đại biểu dự Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3 (tháng 6-2013)

Hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cán bộ

Nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nhân dân, VKSNDTC đã tuyển chọn 94 học viên cho các lớp nguồn nhân lực đi học ở Anh, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, New Zealand.

Đã cử 14 đoàn/172 cán bộ Kiểm sát đi nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Học viện Kiểm sát, cơ sở đào tạo cán bộ tư pháp của các nước như LB Nga, Ucraina, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Đức, Ô-xtrây-li-a...

Nghiên cứu xây dựng Đề án “Trao đổi đào tạo cán bộ, Kiểm sát viên với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp phục vụ hội nhập quốc tế”…

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện kiểm sát nhân dân còn một số hạn chế, khó khăn như: Đối tác còn ít, nội dung hoạt động hợp tác chưa phong phú. Số lượng các hiệp định tương trợ tư pháp ký kết còn ít. Số cán bộ Kiểm sát được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài theo các đề án, dự án của Chính phủ còn hạn chế. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo phục vụ cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế do Nhà nước cấp cho ngành Kiểm sát nhân dân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế chưa gắn kết được với chương trình tổng thể chung của Chính phủ.

Trong thời gian tới, VKSNDTC tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; tăng cường hợp tác với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước có quan hệ truyền thống, các nước có nền tư pháp phát triển, các nước có mô hình công tố mạnh, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, các cơ sở đào tạo cán bộ tư pháp của nước ngoài. Hợp tác quốc tế tập trung vào phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, khủng bố, tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, buôn bán người, tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tương trợ tư pháp; đẩy mạnh việc xây dựng các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống, các nước có đông người Việt Nam sinh sống. Nội luật hóa và thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Nhà nước ta.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chức năng, nhiệm vụ, trình độ ngoại ngữ và pháp luật quốc tế của cán bộ Kiểm sát…

P.V

;
.