Hội thảo khoa học "Kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản"
(BNCTW) - Từ ngày 22-23/8, Văn phòng Quốc hội phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản”. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nghe, trình bày và trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực chính quyền địa phương của Nhật Bản, góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình xem xét, sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tham dự Hội thảo có các giáo sư, thị trưởng đến từ Nhật Bản, đại biểu của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo |
Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều mô hình về chính quyền địa phương, việc xác định mô hình nào phù hợp với Việt Nam; việc phân chia các cấp chính quyền (3 cấp, 2 cấp) và cơ sở khoa học, thực tiễn để tổ chức các cấp này vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu; việc phân quyền giữa chính quyền Trung ương và địa phương được xác định trên cơ sở nguyên tắc nào, phạm vi đến đâu; chính quyền địa phương được tổ chức như thế nào, có gồm cấp chính quyền đầy đủ (UBND và HĐND) hay chỉ cần cơ quan đại diện cho cơ quan hành chính cấp trên? Làm thế nào để xác lập được trách nhiệm của chính quyền địa phương trước người dân? Cơ chế, động lực nào để chính quyền địa phương phục vụ người dân tốt hơn… Tất cả những câu hỏi nêu trên đang là vấn đề làm đau đầu các nhà nghiên cứu, thành viên Ban soạn thảo và các đại biểu Quốc hội khi tham gia xây dựng quy định về Chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm về: Nguyên tắc phân cấp, phân quyền ở Nhật Bản; Hoạt động hành chính của cơ quan tự trị ở Nhật Bản; Tổ chức và hoạt động của một cấp chính quyền địa phương; Sự hợp tác và tham gia của người dân vào hoạt động chính quyền địa phương ở Nhật Bản.
Qua trao đổi, thảo luận cho thấy, ở Nhật Bản, nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương được quy định rõ trong Hiến pháp và Luật Tự trị địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương ở Nhật Bản chỉ gồm 2 cấp (đô - đạo - phủ - tỉnh và thành phố - thị trấn - làng). Tại 2 cấp chính quyền này đều có Ủy ban và Hội đồng. Các thành viên đứng đầu 2 cơ quan này đều được dân bầu trực tiếp, công khai. Chính quyền trung ương thực hiện những công việc có liên quan đến vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế, những hoạt động của người dân cần phải thống nhất trên toàn quốc hay những công việc liên quan đến quy định cơ bản về tự trị địa phương hoặc những chính sách, dự án phải thực hiện trên toàn quốc. Còn về cơ bản, những công việc liên quan mật thiết tới người dân sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương. Do đó, tỷ lệ công việc đảm trách ở chính quyền địa phương của Nhật Bản rất lớn; tuy nhiên, phạm vi thực hiện những công việc này được quy định rất chặt chẽ trong Luật.
Ngoài phân quyền giữa trung ương và địa phương, Nhật Bản còn áp dụng cơ chế tự trị địa phương rất cao, gồm "tự trị người dân" và "tự trị tổ chức"; đảm bảo chính quyền địa phương có thẩm quyền quản lý tài chính, xử lý công việc của địa phương, thi hành các quyết định hành chính, ban hành các quy định trong phạm vi luật định; đồng thời, cho phép người dân được tham gia vào các công việc của địa phương như: lựa chọn người đứng đầu, ủy viên của chính quyền địa phương; yêu cầu chính quyền địa phương phải ban hành, bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định; yêu cầu giải trình đối với một số hoạt động của chính quyền địa phương.
Mặc dù mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương của Nhật Bản hoạt động khá hiệu quả, song các chuyên gia của Nhật cho biết, đất nước họ cũng đang phải đối mặt với nguy cơ không xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền trung ương với chính quyền địa phương; cơ chế tự trị của người dân trong nhiều trường hợp không hiệu quả; sự chủ động của chính quyền địa phương còn bị giới hạn bởi một số quy định trong Luật và giải quyết các vấn đề của địa phương khi quyết định của người đứng đầu cơ quan hành chính và hội đồng đối lập nhau.
Đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam khi xây dựng chính quyền địa phương, các chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh, ngoài mối quan hệ phân quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương; cần thiết phải quan tâm đến mối quan hệ phân quyền trong nội bộ chính quyền địa phương. Nếu quyền lực tập trung quá nhiều vào thị trưởng thì các giám đốc sở, ban ngành sẽ không có nhiều thẩm quyền quyết định, từ đó làm chậm các dự án, tiến độ, tăng thủ tục hành chính đối với người dân… Đối với việc bỏ HĐND cấp huyện ở Việt Nam, vì các yếu tố về địa giới hành chính, dân cư và hệ thống chính trị của Việt Nam khác Nhật Bản nên cần cân nhắc và có những đánh giá thật kỹ trước khi đưa ra quyết định, bởi bỏ HĐND cấp huyện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện các chính sách và chức năng giám sát đối với các cơ quan hành chính địa phương của Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đại diện Văn phòng Quốc hội cảm ơn và đánh giá cao những chia sẻ đến từ các chuyên gia Nhật Bản. Những chia sẽ này sẽ là những kinh nghiệm quý, gợi mở cho Việt Nam trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến góp ý và đề xuất các phương án về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)