Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 14-8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ ngày 01/01/2009 đến ngày 30/6/2013, Bộ Tư pháp đã thẩm định một khối lượng lớn dự thảo VBQPPL 1.428 văn bản, trong đó có 69 luật, pháp lệnh, và 9 Nghị quyết của QH; 569 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; 507 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 268 dự thảo điều ước quốc tế. Cùng với việc hoàn thiện về thể chế, kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL, chất lượng thẩm định văn bản ngày càng được nâng cao, góp phần giúp Chính phủ cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm, đồng thời hạn chế một bước tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Qua công tác thẩm định, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kịp thời kiến nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện nhiều quy định không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...
Quang cảnh Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thẩm định còn một số tồn tại. Đó là quy định của Luật Ban hành VBQPPL về thời hạn thẩm định còn chưa phù hợp, nhất là đối với các dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, đòi hỏi cơ quan chủ trì thẩm định phải tổ chức nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để có thể đánh giá về tính khả thi, hợp lý của văn bản; Công tác thẩm định vẫn còn cắt khúc, thiếu gắn kết, đồng bộ giữa các lĩnh vực pháp luật, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định còn nhiều hạn chế; Chất lượng thẩm định vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật trong tình hình mới, còn thiếu tính bao quát, tính phản biện chưa cao; Việc thẩm định một số Điều ước quốc tế còn hạn chế, thiếu đầu tư nghiên cứu so sánh, rà soát các quy định của pháp luật quốc tế với hệ thống pháp luật của Việt Nam để đánh giá mức độ tương thích của nội dung điều ước quốc tế; Đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định còn thiếu về số lượng, nhất là những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu...
Để nâng cao chất lượng thẩm định văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã đề ra những giải pháp cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, trong ngắn hạn đề cao ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị có chức năng xây dựng pháp luật và cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thẩm định; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 05/2007/QĐ – TTg ban hành Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL phù hợp với Luật Ban hành VBQPPL năm 2008; Đổi mới cách thức tổ chức Phiên họp thẩm định VBQPPL theo hướng công khai các Phiên thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc Hội đồng tư vấn thẩm định để các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin... Giải pháp trong dài hạn từ nay đến năm 2016 là nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong Luật Ban hành VBQPPL về việc tăng thời gian thẩm định các VBQPPL bảo đảm đủ thời gian nghiên cứu kỹ, đủ thời gian lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; tiến hành tuyển dụng cán bộ đa dạng hóa một số ngành nghề quan trọng như tài chính, quản lý kinh tế; Đề xuất xây dựng Tổng vụ xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp nhằm tạo sự liên kết, huy động nguồn lực dễ dàng hơn trong công tác thẩm định; Tăng cường sự theo dõi thi hành pháp luật làm cơ sở thông tin trong quá trình xây dựng và thẩm định VBQPPL, xây dựng cơ sở dữ liệu về thẩm định VBQPPL để sử dụng chung giữa các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ.
Thành An