Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thứ Năm, 29/08/2013, 10:18 [GMT+7]

Chiều 28-8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (khóa XIII) đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về nội dung “Chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết khiếu nại, đề nghị xét lại bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, những năm qua, Viện đã tiếp nhận, thụ lý nhiều đơn của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đề nghị xét lại bản án, quyết định dân sự có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Số lượng đơn thụ lý hàng năm tăng cả về số đơn và số việc, với tính chất bức xúc, phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu của việc gia tăng đơn là do nhiều người cùng khiếu nại một vụ, việc; một vụ, việc đương sự khiếu nại nhiều lần và gửi đến nhiều cơ quan khác nhau. Từ ngày 1-1-2010 đến 30-4-2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ban hành 534 quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa án đã xét xử 505 vụ, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát 486 vụ, đạt tỷ lệ 96%.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Từ ngày 1-1-2010 đến 30-4-2013, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận được 82.126 đơn các loại, trong đó có 53.189 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc đơn trùng lặp; hơn 28.930 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trong đó từ đầu năm 2013 đến nay là 7.295 đơn/vụ. Điều này cho thấy, số đơn đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chưa có chiều hướng giảm và vẫn còn rất lớn.

Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ: Trong những năm gần đây, số vụ liên quan đến án không rõ, khó thi hành, bản án, quyết định có căn cứ kiến nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chiếm tỷ lệ không nhiều so với tổng số việc phải thi hành án hàng năm. Cụ thể: năm 2011 chiếm 0,31%; năm 2012 chiếm 0,15% và 6 tháng đầu năm 2013 chiếm 0,16%. Số vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành, bản án, quyết định có căn cứ kiến nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng có chiều hướng giảm (năm 2012 giảm 780 việc so với năm 2011; 6 tháng đầu năm 2013 giảm hơn 267 việc so với năm 2012) và ngày càng được rà soát kỹ, bảo đảm tính chính xác hơn qua các năm.

Cũng tại buổi làm việc, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị với Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về giám đốc thẩm, tái thẩm và đổi mới mô hình, thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; điều chỉnh biên chế trong ngành Kiểm sát nhân dân để đủ số lượng cán bộ làm công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm... Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục tăng cường giám sát đối với hoạt động thi hành án dân sự.

Thảo luận, trao đổi tại buổi làm việc, đa số ý kiến thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp tán thành với báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết khiếu nại, đề nghị xét lại bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn một số vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại, chất lượng xét xử, xét lại bản án đã có hiệu lực... Đoàn giám sát đề nghị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, 3 cơ quan tư pháp cần tích cực làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm cho việc thi hành thống nhất trong cả nước. 3 cơ quan cũng cần tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý các trường hợp khó thi hành án do bản án, quyết định đã tuyên không rõ ràng, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân…

(Theo TTXVN)

;
.