Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thứ Hai, 22/07/2013, 15:56 [GMT+7]

Vừa qua, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-06-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong ngành Kiểm sát. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; các thành viên Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương và một số bộ, ngành liên quan. Làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các thành viên Ban Cán sự đảng và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, về Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, ngành đã nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án về cải cách tư pháp, như: “Tổ chức bộ máy, chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp”, “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố”, “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”, “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân nhằm thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng”... Đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; đổi mới công tác thống kê tội phạm và vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát các cấp đã nỗ lực đổi mới sâu rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân... 

Tuy nhiên, trong 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW, ngành Kiểm sát gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Thành lập Viện kiểm sát khu vực; thực hiện chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; thực hiện “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành Kiểm sát…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được sau 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí đề nghị, trong tiến trình cải cách tư pháp cần nghiên cứu việc mở rộng phạm vi điều tra cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, không nên chỉ điều tra hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với những người tiến hành tố tụng như hiện nay. Cần làm rõ mối quan hệ giữa chế độ thủ trưởng, chế độ trong ngành kiểm sát với tính độc lập trong hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với những kết quả mà ngành Kiểm sát đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, cũng chỉ rõ ngành Kiểm sát cần nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, bất cập  như tình hình tội phạm tăng lên, nhất là tội chống người thi hành công vụ, tội tham nhũng; nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra nhưng chưa được thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cơ quan tố tụng; công tố vẫn chạy theo điều tra, chưa thể hiện được vai trò độc lập của mình trong giám sát các hoạt động tư pháp; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên chưa cao, còn thụ động, lúng túng. Vẫn còn tư tưởng áp đặt, cửa quyền trong giải quyết các vụ án. Một bộ phận cán bộ ngành kiểm sát chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực, phẩm chất; vẫn còn cán bộ kiểm sát, tham nhũng, vi phạm quy chế hoạt động của ngành.

Về nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Kiểm sát cần bám sát các Kế hoạch, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đối với ngành Kiểm sát nhân dân; cần nghiên cứu và đánh giá sâu hơn về lý luận lẫn thực tiễn những vấn đề đang đặt ra cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Trước mắt, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tích cực, chủ động, xây dựng thật tốt nội dung các quy định liên quan đến về ngành Kiểm sát trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ động đề xuất xây dựng các luật về tố tụng, ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp, tạo sự đồng thuận trong toàn ngành và xã hội về sự đổi mới trong hoạt động tư pháp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

                                        Lê Tiến Dũng

                                        (Ban Nội chính Trung ương)

 

;
.