Bộ Tư pháp: Hội thảo "Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam"

Thứ Ba, 23/07/2013, 14:40 [GMT+7]

(BNCTW) - Trong hai ngày 22 và 23-7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện KAS (Konrad Adenauer Stiftung) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp và Viện KAS.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Đại học Luật Hà Nội và đại diện các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

BLHS được Quốc hội thông qua ngày 21-12-1999 đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, bảo đảm ổn định trật tự, an ninh xã hội... Tuy nhiên, sau 12 năm thi hành, tình hình đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế đã có bước phát triển, tư tưởng dân quyền có nhiều tiến bộ, Việt Nam đã hội nhập sâu vào thế giới... một số quy định của BLHS đã thể hiện sự bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Trước tình hình đó, việc hoàn thiện các quy định của BLHS là điều kiện cần thiết để bảo vệ tốt hơn quyền con người, ổn định xã hội góp phần thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội. Trong đó, quyền cơ bản của công dân là một trong những nội dung quan trọng đặt ra trong quá trình hoàn thiện các quy định của BLHS trong quá trình sửa đổi.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trình bày về: (1) Một số nội dung cơ bản liên quan bảo vệ các quyền con người điều khoản Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử; Kinh nghiệm quốc tế và những bài học kinh nghiệm cho quá trình nội luật hóa bằng các quy định của BLHS ở Việt Nam. (2) Một số nội dung cơ bản của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và khả năng nội luật hóa trong Luật hình sự Việt Nam. (3) Chế định loại trừ trách nhiệm hình sự - Thực tiễn và các đề xuất nhằm hoàn thiện các chế định này trong BLHS. (4) Hình phạt tử hình - Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và khả năng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình tại Việt Nam; (5) Tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ở Việt Nam - Thực trạng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội trong tình hình hiện nay. (6) Chế định miễn, giảm hình phạt, hoãn thi hành hình phạt, xóa án tích và một số đề xuất hoàn thiện nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của người bị kết án. (7) Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện. (8) Bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo của công dân bằng các quy định của BLHS - Thực trạng và một số đề xuất hoàn thiện. (9) Các tội xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân - Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện. (10) Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân - Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện. (11) Tội bức cung, dùng nhục hình - Thực trạng và các giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo ở Việt Nam. (12) Hoàn thiện BLHS về tội mua bán người, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

Qua trao đổi, thảo luận cho thấy, để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, cần sửa đổi, khắc phục những bất cập hiện hành trong các quy định của BLHS liên quan đến quyền con người. Đặc biệt, Hội thảo tập trung, phân tích làm rõ những tác động và lợi ích của việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình tại Việt Nam. Theo Giáo sư Jorg Menzel, trường Đại học Tổng hợp Born, Cộng hòa Liên bang Đức, hình phạt tử hình không phải là một biện pháp ngăn chặn tội phạm duy nhất và hữu hiệu. Trong những thập kỷ gần đây, xu hướng phổ biến là các quốc gia trên thế giới đang giảm dần và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình; đồng thời, thay đổi các phương pháp thi hành án cũng như cải tiến các thủ tục tố tụng để việc áp dụng hình phạt này mang tính nhân đạo hơn. Việc nghiên cứu, tham khảo những vấn đề lý luận và thực tiễn trên thế giới xung quanh việc duy trì cũng như cách thức thi hành hình phạt này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đã chủ động hội nhập ngày càng sâu vào đời sống kinh tế quốc tế và đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Liên quan đến nhiều điều khoản khác trong BLHS về bảo đảm quyền con người, một số đại biểu đề xuất một số kiến nghị như: nghiên cứu hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến tra tấn trong BLHS phù hợp với định nghĩa tra tấn nêu tại Điều 1 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT); quy định loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người giúp người khác tự sát khi người này có yêu cầu (để giải thoát cho họ khỏi sự đau đớn của bệnh tật); quy định mức hình phạt tù tối đa áp dụng cho người chưa thành niên là 15 năm, mở rộng phạm vi các biện pháp tư pháp và hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; sửa đổi Điều 299 theo hướng quy định dấu hiệu pháp lý của tội phạm này là hành vi đe dọa, ép buộc người bị thẩm vấn khai khi tiến hành thẩm vấn, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng là “dùng nhục hình” đối với tội bức cung…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp đánh giá cao các ý kiến tham luận và sự tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo giúp Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất Ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo, góp phần sửa đổi, bổ sung, xây dựng BLHS hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình mới của đất nước.

 Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

 

 

;
.