Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005

Thứ Hai, 24/06/2013, 15:00 [GMT+7]

Ngày 22-6-2013, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 nhận định, Bộ luật Dân sự năm 2005 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự. Bộ luật này cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là quan hệ dân sự). Qua thực tiễn thi hành, Bộ luật Dân sự đã phát huy vai trò to lớn trong việc quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tải sản trong các quan hệ dân sự; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự; góp phần đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các quan hệ dân sự đã có những thay đổi đáng kể và nhanh chóng, cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Bộ luật Dân sự  đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi bổ sung.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức, các cán bộ làm công tác thực thi Bộ luật Dân sự trong thời gian qua và khẳng định: qua 8 năm thi hành, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế, bất cập của Bộ luật như chưa phát huy được vai trò là luật chung, luật gốc trong hệ thống pháp luật tư; chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống phát luật trong nhà nước pháp quyền…

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã đóng góp nhiều tham luận và tiến hành thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc đánh giá thực trạng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, những bất cập, hạn chế và đề xuất sửa đổi bổ sung. Các ý kiến không chỉ dừng lại ở những mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn mà còn đi sâu vào từng chế định, điều luật cụ thể đã giúp Hội nghị có cái nhìn toàn diện, khách quan, đầy đủ luận cứ khoa học và thực tế để có thể đưa ra những giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan hệ dân sự.   

Thùy Linh

(Đài Tiếng nói Việt Nam)

;
.