Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia

Thứ Ba, 18/06/2013, 16:04 [GMT+7]

Từ ngày 18 đến 21/6, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 13 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Đây là dịp để ghi nhận và đánh giá kết quả hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối thoại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, thảo luận thống nhất những lĩnh vực ưu tiên về phòng, chống tội phạm có liên quan đến các nước.

SOMTC 13 có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN; Ban thư ký ASEAN; các nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia, New Zealand, Liên minh châu Âu, Mỹ; các tổ chức quốc tế UNODC và ARTP. SOMTC là hội nghị trù bị cho Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC).

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an)
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an)

Hội nghị bàn về các vấn đề chống tội phạm khủng bố, buôn bán trái phép các chất ma túy, mua bán người (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em), cướp biển, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế quốc tế…   Bên cạnh các cuộc họp chung, cuộc họp trưởng đoàn các nước ASEAN sẽ bàn thảo những kinh nghiệm, biện pháp chống tội phạm tại các quốc gia thành viên và tăng cường hợp tác ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, thực hiện các yêu cầu về tương trợ hình sự, dẫn độ tội phạm, đào tạo nâng cao năng lực cho sỹ quan thực thi pháp luật.

Trong khuôn khổ Hội nghị còn có các cuộc tham vấn, các cuộc họp với các nước đối thoại, nhằm tăng cường quyết tâm chính trị hợp tác ASEAN và các nước đối thoại trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia; xác định các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các tuyên bố chung ASEAN và các nước đối tượng trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia; xác định cơ chế, thể chế trong trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, chương trình xây dựng năng lực chống khủng bố, các lĩnh vực và phương hướng của các quốc gia trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), hoạt động tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phức tạp. Tuy đã có công ước quốc tế nhưng luật pháp của từng quốc gia có phần khác nhau nên cũng ít nhiều tạo khó khăn trong hoạt động này. SOMTC là cơ hội để các nước tìm tiếng nói chung, hợp tác, phát triển trong việc phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.  

Đối với Việt Nam, từ đầu năm 2012 đến nay chưa xảy ra khủng bố quốc tế. Công an Việt Nam đã tích cực hợp tác trao đổi thông tin với các nước ASEAN và đối tác liên quan.  

Từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2013, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước phát hiện, bắt giữ 19.582 vụ, 29.768 đối tượng, trong đó có 29 vụ, 51 đối tượng là người nước ngoài; thu 390,3 kg heroin, 74,6kg thuốc phiện, 134,5kg cần sa khô, 128,9 kg và 335.470 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật liên quan khác.  

Đối với tội phạm mua bán người, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn quốc đã phát hiện, xử lí 528 vụ mua bán người với 914 đối tượng, 1041 nạn nhân.

Về cướp biển, trong năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xử lí 15 lượt thông tin về hàng hải, điều tra 02 vụ trộm và cướp tài sản tại các cảng biển Việt Nam. Tháng 11/2012, Việt Nam đã phối hợp với Malaysia, Singapore tổ chức truy tìm, phát hiện và trấn áp, bắt giữ thành công vụ cướp biển có sự tham gia của 11 đối tượng mang quốc tịch Indonesia, giải cứu thành công tàu ZAFIRAH bị tấn công và cướp trước đó trên biển Indonesia.  

Về buôn bán vũ khí, từ tháng 1/2012 đến nay, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã điều tra 90 vụ nổ tại 27 địa phương; đấu tranh với hơn 100 vụ, bắt giữ và xử lý gần 350 đối tượng.  

Về rửa tiền, từ đầu năm 2012 đến nay, đã tiếp nhận xử lý 650 báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, trong đó đã tiến hành điều tra 22 vụ, thanh tra 4 vụ.  

Về tội phạm công nghệ cao, trong năm 2012, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổng thiệt hại 2000 tỷ đồng.  

Với tội phạm kinh tế quốc tế, từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2013, toàn lực lượng phát hiện điều tra hơn 8.500 vụ có yếu tố nước ngoài, trong đó chủ yếu là tội phạm buôn lậu.       

                                                      P.V (Tổng hợp)

;
.