Hội thảo về mô hình tổ chức của các cơ quan tư pháp

Thứ Bảy, 04/05/2013, 08:00 [GMT+7]

Ngày 3-5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Mô hình tổ chức của các cơ quan tư pháp - Kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất của Việt Nam”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về các định hướng, đề xuất trong việc tổ chức hệ thống các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và thi hành án phù hợp với những nội dung cải cách tư pháp hiện nay.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp. Nhiều nội dung quan trọng của công tác cải cách tư pháp đã được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó có việc nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của các cơ quan tư pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hơn nữa tổ chức, chức bộ máy của cơ quan này. Việc hoàn thiện mô hình, tổ chức cơ quan tư pháp được quan tâm hơn trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực tập trung cho sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan tòa án, viện kiểm sát đều đã tổng kết việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 có liên quan tới tổ chức hoạt động của toà án, viện kiểm sát và các hoạt động của cơ quan tư pháp để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung…

Các đại biểu đã thảo luận về mô hình tổ chức tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan thi hành án; đưa ra những đề xuất trong việc tổ chức hệ thống các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và thi hành án phù hợp với những nội dung cải cách tư pháp hiện nay của nước ta.

Ông Trịnh Xuân Toản, Ủy viên chuyên trách thường trực kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương cho biết, thời gian tới các cơ quan tư pháp Việt Nam tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 49; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập tòa chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp tòa án, từng khu vực… Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án; tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra… Các cơ quan tư pháp tiếp tục quán triệt thực hiện Kết luận 79 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và cơ quan điều tra; bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của hệ thống tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra thực sự khoa học, bảo đảm tính đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và các chức danh tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng…

Bà Liling Yue, Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc cho biết, tại Trung Quốc tòa án và viện kiểm sát đều là cơ quan tư pháp. Cơ quan tư pháp của Trung Quốc chịu trách nhiệm áp dụng và thi hành pháp luật. Cấu trúc hệ thống Tòa án ở Trung Quốc bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; tòa án nhân dân cấp cao; tòa án nhân dân trung cấp; tòa án nhân dân sơ thẩm. Để tiếp cận rộng rãi hơn với hệ thống tòa án, các tòa sơ cấp thành lập các đơn vị trực thuộc là các tòa án nhân dân ở thị xã, thị trấn và thôn bản nằm dưới cấp quận, huyện.

TS Tô Văn Hoà (Trường ĐH Luật Hà Nội) đề cập tới nguyên tắc hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) và tác động của nguyên tắc này tới tổ chức hệ thống tòa án. Ưu điểm của nguyên tắc này là thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền của người dân; giúp thi hành công lý triệt để hơn và thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với việc thực hiện chức năng tư pháp.

(Theo TTXVN)

;
.