Hội Luật gia Việt Nam: Đoàn kết, Dân chủ, Sáng tạo, Phát triển
Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam tham gia các tổ chức luật gia quốc tế có hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội.
Hội được thành lập ngày 04/4/1955, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luật sư Phan Anh được bầu giữ chức Chủ tịch.
Đến nay, Hội đã có 58 năm xây dựng và trưởng thành, đã tổ chức 11 kỳ Đại hội đại biểu Luật gia toàn quốc. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất (năm 1955) đến năm 1990, Luật sư Phan Anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội; Từ năm 1990 đến năm 1993, Luật gia Phan Hiền, Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Chủ tịch; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1993) Luật gia Phùng Văn Tửu, Phó Chủ tịch Quốc hội được bầu giữ chức Chủ tịch Hội; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 1998), Luật gia Phạm Hưng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được bầu giữ chức Chủ tịch; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2004), Luật gia Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên trợ lý Chủ tịch nước, được bầu giữ chức Chủ tịch; Tại Đại hội đại biểu Luật gia toàn quốc lần thứ XI (năm 2009), Luật gia Phạm Quốc Anh tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.
Đại hội lần thứ XI (2009 - 2014) có 107 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Hội, có 23 đồng chí trong Ban Thường vụ.
Hội Luật gia Việt Nam là một trong số các cơ quan thuộc khối Nội chính Trung ương Đảng theo các Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư (khóa IV), Quyết định số 17-QĐ/TW, ngày 23-12-1991 (khóa VII), Quyết định số 40-QĐ/TW, ngày 15-7-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX), Quyết định số 159-QĐ/TW, ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Hiện nay, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Qua 58 năm, mặc dù có sự điều chỉnh nhất định trong từng thời gian nêu trên cho phù hợp với tình hình thực tế, song tôn chỉ, mục đich, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội theo Điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt gồm:
Hội đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang công tác ở các ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Hoạt động trên tất cả các lĩnh vực trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hóa, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội Luật gia Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới và các tổ chức khác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước vì mục đích chung là hoà bình, hợp tác và phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014 |
Hiện nay, Hội là thành viên và có đại diện là ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) và là thành viên của Hiệp hội Luật các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Hệ thống tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam đã có ở 52 Chi hội Luật gia các cơ quan bộ, ngành Trung ương; 63/63 Hội Luật gia cấp tỉnh, thành phố; có 402 Hội Luật gia cấp quận, huyện, gần 2000 Hội Luật gia cơ sở xã, phường, thị trấn. Số hội viên là trên 46 ngàn hội viên. Các hội viên có trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 80%, hội viên là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm trên 70%.
Những nhiệm vụ chủ yếu của Hội Luật gia Việt Nam bao gồm:
- Tập hợp vào Hội những người đã và đang công tác pháp luật theo quy định của Điều lệ Hội; xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nghề nghiệp;
- Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật;
- Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân;
- Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;
- Tham gia một số hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật; tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của các cơ quan nhà nước;
- Phối hợp hoạt động và làm nghĩa vụ thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội;
- Tham gia các hoạt động chính trị, pháp lý phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
- Phản ánh tâm tư nguyện vọng của giới luật gia Việt Nam với Đảng, Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; động viên tinh thần và quan tâm đến lợi ích của hội viên, làm cho hội viên gắn bó với Hội;
- Xuất bản và phát hành sách, tạp chí, báo pháp luật đáp ứng yêu cầu hoạt động đối nội và đối ngoại của Hội, theo quy định của pháp luật;
- Tham gia các hoạt động quốc tế phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội và quy định của pháp luật;
- Vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước...
Một số hoạt động của Hội trong thời gian gần đây:
Thời điểm từ năm 2009 đến nay là thời điểm tình hình trong nước và quốc tế có nhiều sự kiện biến động lớn, phức tạp, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế bên cạnh mặt tích cực về sự hợp tác phát triển cũng bộc lộ những yếu tố tiêu cực, phân hóa giàu nghèo, gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển v.v... Bước vào nhiệm kỳ Đại hội Luật gia toàn quốc lần thứ XI (2009-2014) Hội xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18-8-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam”. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, ngày 11-4-2012, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã tiến hành tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, Ban Bí thư đã ban hành kết luận số 19-LK/TW, Ngày 23 tháng 5 năm 2012 về tổng kết Chỉ thị số 56-CT/TW. Tại Kết luận này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ghi nhận “Từ khi có Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18-8-2000 của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt và quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp Hội... Hội đã bám sát và phục vụ kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương. Các cấp Hội và hội viên đã tham gia tích cực đối với công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và hợp tác quốc tế...”.
Nhìn một cách khái quát thì nhiệm kỳ Đại hội khóa XI (2009) đến những tháng đầu năm 2013, được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ, Hội đẩy mạnh việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật: là thành viên tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tham gia Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi); tham gia Ban soạn thảo, tổ biên tập Bộ luật dân sự (sửa đổi); tham gia Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật luật sư; tham gia Ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); tham gia Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương; tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Hòa giải...
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, cho người dân nông thôn, cho những người nhiễm HIV/AIDS, cho những phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng...được Hội thực hiện có hiệu quả, được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đánh giá cao.
Hội tham gia các hoạt động chính trị, pháp lý phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tham gia một số hoạt động quản lý nhà nước... vừa qua, trước những hành động sai trái của Trung Quốc về vấn đề Biển đông, Hội đã ra tuyên bố phản đối và kêu gọi các nhà thầu quốc tế không tham gia đấu thầu thăm dò - khai thác tại 09 lô dầu khí trên Biển đông là thềm lục địa của Việt Nam; ra tuyên bố phản đối việc Quốc vụ viện Trung Quốc cho thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” xâm phạm chủ quyền hải đảo của Việt Nam; bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế. Đặc biệt, từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 11 năm 2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tại hội thảo này có trên 200 đại biểu tham gia, trong đó có trên 100 địa biểu là các diễn giả quốc tế, các quan chức Chính phủ của 27 nước và vùng lãnh thổ, 30 ngoại giao Đoàn, đông đảo các phóng viên báo chí trong nước và đưa tin, đã gây sự chú ý lớn trên diễn đàn Quốc tế. Hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Các đại biểu nhất trí rằng đường lưỡi bò và cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Lập luận về “quyền lịch sử” của Trung Quốc cũng không có cơ sở. Qua hội thảo đã góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của Biển Đông.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc Lập hạng nhất (nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập), Huân chương Hồ Chí Minh (nhân kỷ niệm 50 ngày thành lập), được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng 8 chữ vàng “Đoàn kết, Dân chủ, Sáng tạo, Phát triển”.
Nguyễn Thị Xuân
(Hội Luật gia Việt Nam)