Ngành kiểm sát nhân dân: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra vụ án hình sự

Thứ Tư, 19/07/2023, 07:24 [GMT+7]
    Trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện kiểm sát các cấp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn công tác của đơn vị mình; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương; đề ra yêu cầu, biện pháp thiết thực trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác của Quốc hội, của ngành giao; đặc biệt là tăng cường các biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 86,8%.
 
Một Hội nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Một Hội nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
    Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, toàn ngành Kiểm sát thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra vụ án hình sự; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được dư luận xã hội quan tâm; các vụ án trọng điểm, phức tạp phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 90.194 nguồn tin về tội phạm, bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát. Chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên; một số chỉ tiêu vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội, như: Số vụ án viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100%, vượt 10%; số bị can viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,98%, vượt 4,98%.
 
    Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 57.410 vụ/111.026 bị cáo, tăng 6% số vụ so với cùng kỳ năm 2022. Phối hợp với Tòa án tổ chức 5.267 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 143 phiên toà truyền hình trực tuyến đến viện kiểm sát hai cấp; nhiều đơn vị triển khai cách làm mới trong việc báo cáo án bằng phương pháp trình chiếu, sơ đồ hóa; chủ động phối hợp với tòa án, đề nghị cấp ủy địa phương hỗ trợ kinh phí phục vụ hoạt động xét xử, trình chiếu, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.
 
    Ngành kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án. Trong đó, đã phát hiện, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; bảo đảm hoạt động kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.
 
    Công tác điều tra tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận đồng tình, đánh giá cao; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 75,9% (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022; vượt 5,9% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội), trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 83,3% (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng đạt 86,8% (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; vượt 26,8% chỉ tiêu của Quốc hội); hoạt động điều tra đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan, sai.
                                                                                             Kim Anh
.