Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 12/09/2016, 17:04 [GMT+7]
    Ngày 12-9, Đoàn công tác do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN, LP). 
 
    Tham dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. 
 
    Làm việc với Đoàn có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy; Lãnh đạo các ban đảng, Văn phòng Thành ủy; lãnh đạo một số cơ quan, Thành phố và quận, huyện ủy. 
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
    Đại diện Thành ủy Hà Nội đã thông qua Báo cáo tình hình, kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP"; Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch 16-KH/BCĐTW, ngày 05-8-2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. 
 
    Theo đó, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, LP; xác định PCTN, LP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Sau khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức phổ biến, quán triệt, ban hành Chương trình hành động và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện; tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN, LP. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội của thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTN, LP. Do vậy công tác PCTN, LP đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đạt những kết quả bước đầu, thể hiện trên các lĩnh vực:    
 
    Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức được nâng lên. Thành ủy chỉ đạo công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan, đơn vị. HĐND, UBND các cơ quan trực thuộc thành phố đã rà soát, sửa đổi bổ sung 314 văn bản, ban hành mới 563 văn bản quy định về chế độ định mức tiêu chuẩn. Thực hiện Luật thủ đô, HĐND thành phố ban hành 14 nghị quyết, Ủy ban nhân dân ban hành 02 quyết định về cơ chế chính sách đặc thù. 
 
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo
    Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. 100% các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa; thành phố đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. 
 
    Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử được chú trọng. Trong 10 năm qua, Thanh tra thành phố thực hiện 3.222 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội; qua thanh tra phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 2.592,6 tỷ đồng, 2.452,3 ha đất, kiến nghị kiểm điểm 314 tập thể và 245 cá nhân thiếu trách nhiệm buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm. Cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố 213/541 bị can; hai cấp Viện kiểm sát nhân dân thành phố kiểm sát, điều tra 223/585 bị can; Toà án nhân dân thành phố thụ lý 278/732 vụ. 
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, LP chưa sâu, rộng; công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn ít. Hiệu quả một số giải pháp về PCTN, LP chưa cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn kéo dài, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế... 
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu tại buổi làm việc
    Về việc thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo Kế hoạch 16-KH/BNCTW, ngày 05-8-2013, trong 3 năm qua, Thường trực Thành ủy thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố tập trung phối hợp giải quyết, thụ lý, điều tra, truy tố, xét xử theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Đến nay, đã xử lý dứt điểm 04/06 vụ; 02/06 vụ đang trong quá trình giải quyết. 
 
    Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác PCTN, LP của Đảng bộ Thành phố Hà Nội những năm qua.   
 
    Năm 2016, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố... Ðể cuộc đấu tranh PCTN thật sự có sự chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, Hà Nội cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khoá X; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khoá XI và 8 nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2020”. Chú trọng cả phòng và chống, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa về công tác PCTN để củng cố niềm tin của nhân dân. 
 
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
    Đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, lưu ý thêm một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác PCTN; phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. (2) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Ban Thường vụ Thành ủy chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về việc tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng gắn liền với việc biểu dương, vinh danh và khen thưởng thích đáng, kịp thời những người dũng cảm tố giác tham nhũng; biểu dương những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đồng thời lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng. (3) Tập trung chỉ đạo việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của thành phố để phòng ngừa và đấu tranh PCTN; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang thực hiện nhưng hiệu quả thấp; chú trọng công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. (4) Nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan PCTN; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn được dư luận xã hội quan tâm. (5) Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung công tác PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. (6) Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” và Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW, ngày 10-5-2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”.
                                                                                           Thu Huyền
;
.