Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước về khoáng sản

Thứ Tư, 14/08/2013, 09:26 [GMT+7]

Báo cáo về trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ TN&MT, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, từ năm 2007 đến nay, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã được chấn chỉnh và ngày càng hiệu quả; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và chủ động thực hiện. 

2 năm trở lại đây, công tác thu tiền hoàn trả kinh phí Nhà nước đã đầu tư trong điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản đạt kết quả bước đầu quan trọng. Năm 2012, cơ quan chức năng đã thu cho Nhà nước hơn 500 tỷ đồng. Một số  mỏ quy mô công nghiệp đã kịp thời đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động thăm dò theo giấy phép góp phần gia tăng trữ lượng một số loại khoáng sản quan trọng, bảo đảm có số liệu tin cậy để điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, hạn chế rủi ro khi đầu tư khai thác…

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ vẫn còn bất cập. Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, nhưng đến nay Chính phủ mới ban hành 2 nghị định mà chưa có văn bản hướng dẫn mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chưa khoanh định và công bố các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. 

Hầu hết các quy hoạch chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh mỏ đưa vào quy hoạch mà không có tọa độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi cấp phép hoạt động khoáng sản. Quy hoạch chưa có sự thống nhất, đồng bộ về tiến độ thực hiện dự án giữa giai đoạn thăm dò và khai thác. Do vậy, gây khó khăn khi thực hiện, thậm chí có quy hoạch nhưng vẫn phải lấy lại ý kiến thỏa thuận của các Bộ liên quan. 

Một số quy hoạch có tính ổn định thấp, thường căn cứ vào nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, địa phương mà chưa có tính định hướng lâu dài nên thường xuyên bổ sung các mỏ, khu vực vào quy hoạch nhưng chưa tuân thủ nguyên tắc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tại khoản 1, Điều 14 Luật Khoáng sản năm 2010. 

Một số trường hợp, khi có sự điều chỉnh về khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản nhưng địa phương không kịp thời thông báo cho Bộ TN&MT, dẫn tới có một số dự án sau kết thúc thăm dò không thể chuyển sang giai đoạn khai thác hoặc đã cấp phép khai thác nhưng không thể triển khai xây dựng cơ bản mỏ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do cơ quan T.Ư cấp đang còn thời hạn hoạt động khá lớn (gần 600 giấy phép/51 tỉnh, thành), trong khi lực lượng, kinh phí cho công tác thanh tra chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nên trung bình 2 năm mới thanh tra, kiểm tra định kỳ tại 1 khu vực hoạt động khoáng sản. Nội dung thanh tra mang tính chất chuyên sâu, nhất là đối với việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản và cần phải có phương tiện, thiết bị chuyên dùng, kinh phí để thực hiện; cơ chế giám sát, nhất là đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, thông báo khắc phục vi phạm còn mang tính hành chính, chưa có cơ chế phù hợp với thực tế công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản… 

Để khắc phục những tồn tại đó, Bộ TN&MT đưa ra các giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, Chính phủ sớm ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản theo hướng tăng mức xử phạt nhất là đối với các hành vi làm tổn thương khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xây dựng nghị định hướng dẫn phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. 

Nâng cao tính khả thi, khẩn trương rà soát nội dung các quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2005 để bổ sung, điều chỉnh theo đúng nguyên tắc, có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan và với UBND các địa phương trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo giữa quy hoạch của cả nước và quy hoạch của các địa phương. 

Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, Luật Khoáng sản 2010 đã đưa ra các quy định mới trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, lựa chọn cá nhân, tổ chức cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại khu vực không đấu giá quyền khai thác nhằm minh bạch hóa, công khai hóa và cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hoạt động khoáng sản. 

Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về khoáng sản tại các địa phương; tăng cường sự phối hợp trong công tác này giữa cơ quan T.Ư và địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, đổi mới cơ chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Bộ triển khai Đề án “Tăng cường năng lực cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản từ T.Ư đến địa phương”. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định; đề xuất cơ chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, địa phương nơi có mỏ khoáng sản…

Nguyễn Hằng

;
.