Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Thứ Năm, 25/07/2013, 16:43 [GMT+7]

Ngày 25-7, tại Hà Nội, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW (ngày 02-6-2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 cho thấy, qua 8 năm thực hiện, trên cơ sở các Chương trình, Kế hoạch trọng tâm công tác CCTP từng giai đoạn và hàng năm, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ CCTP được phân công, đồng thời có nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, nhiều nhiệm vụ, đề án được phân công thực hiện đạt được những kết quả cụ thể, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác của Bộ, ngành.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Ở lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Ngành tư pháp, trong tổng số 178 luật, pháp lệnh được ban hành từ tháng 6-2005 đến tháng 6-2013 có tới 63 văn bản trực tiếp liên quan đến CCTP, Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo 22/23 dự án Luật, Pháp lệnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thể chế về tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp. Ngành Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến CCTP. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp”, nhiều chính sách lớn, quy hoạch tổng thể trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã được xây dựng, ban hành như Chiến lược Luật sư, Chiến lược trợ giúp pháp lý... Nhờ đó, chất lượng Luật sư ngày càng được nâng lên. Tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả và có trách nhiệm với dân. Các cơ quan Thi hành án đã được nâng tầm thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương với 3 cấp: Tổng cục, Cục và Chi cục với cơ chế điều hành tập trung, thống nhất. Đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp đã có sự lớn mạnh đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp luôn được Bộ Tư pháp coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành. Công tác hợp tác quốc tế về tư pháp từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, CCTP trong nước và hội nhập quốc tế. Trong 4 năm kể từ khi Luật tương trợ tư pháp được ban hành, công tác đàm phán, ký kết điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp ngày càng phát triển trong tất cả các lĩnh vực tương trợ tư pháp. Tại Hội nghị, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhận định, với những kết quả đã đạt được qua 8 năm thực hiện, vai trò của ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kính tế - xã hội ngày càng được khẳng định, vị trí ngành Tư pháp ngày càng được củng cố.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đó là, thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh hàng năm chưa toàn diện, đồng bộ, thiếu dự báo mang tính chiến lược. Công tác Thi hành án số vụ thụ lý mới hàng năm tăng cao, dẫn đến số việc phải thi hành chuyển kỳ sau tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Việc phát triển các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý do ngành Tư pháp quản lý trên một số lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Chế độ, chính sách liên quan đến công tác đầu tư xây dựng chưa hợp lý, cộng với sự biến động, phức tạp của thị trường dẫn đến việc dự án đã phê duyệt phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, ảnh hưởng không ít đến quá trình triển khai thực hiện.

Thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tham mưu cho Chính phủ xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp; chuyển trọng tâm của CCTP giai đoạn từ nay đến năm 2020 từ xây dựng thể chế sang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án và bổ trợ tư pháp, từ giai đoạn thực hiện thí điểm sang giai đoạn phát triển, ổn định và chuẩn hóa các mô hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án, thừa phát lại; lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững đối với nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính; nghiên cứu mở rộng phạm vi xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp song song với nâng cao chất lượng dịch vụ với bước đi, lộ trình phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ tư pháp; tiếp tục đẩy mạnh việc ký kết và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, thực hiện tốt vai trò của Bộ Tư pháp trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Ban cán sự Đảng đưa ra kiến nghị Ban chỉ đạo CCTP Trung ương chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác tổng kết và đưa ra được những kết luận, kiến nghị rõ ràng về từng chủ trương, định hướng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện hoặc bổ sung, phát triển những chủ trương, định hướng đúng đắn, đồng thời yêu cầu dừng, không thực hiện những chủ trương, định hướng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2030...

Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW là dịp nhìn nhận nghiêm túc về ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật của cán bộ, lãnh đạo, công chức, ngành Tư pháp, đồng thời đề ra những phương hướng, nhiệm vụ mới để thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

 

Thành An

;
.