Ngày xuân bàn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ góc độ văn hóa

Chủ Nhật, 11/02/2024, 21:33 [GMT+7]
    Đầu Xuân năm mới người ta thường hay mạn đàm về văn hóa, trong đó có văn hóa Tết, văn hóa ăn Tết, chơi Tết và tất nhiên không thể thiếu chuyện biếu quà Tết. Có người đặt vấn đề rằng, trong những năm qua, rất nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bị kỷ luật hoặc “hầu tòa”, vào vòng lao lý,... thì gốc gác, căn nguyên của vấn nạn này là do đâu? Có phải do lỗi cơ chế hay lỗi về phẩm chất đạo đức, tư cách của cán bộ? Nhiều ý kiến cho rằng, dù chưa viện dẫn cơ sở lý luận, thực tiễn của câu trả lời, nhưng suy cho cùng, đây là lỗi về văn hóa và do đó, phải chăng về cơ bản, lâu dài, bền vững trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) hiện nay, cùng với các giải pháp đồng bộ khác thì nên chăng, cần đẩy mạnh PCTNTC từ góc độ văn hóa? Cách luận giải này nghe có vẻ cải lương, xa xỉ trong tình hình hiện nay? Thế nhưng, thiết nghĩ, đây chính là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững. Tuy vậy, vấn đề này còn ít được đề cập, chưa có nhiều nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khả thi. Đầu năm mới, xin đưa ra bàn với một số ý kiến mang tính gợi mở.

   Về cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề PCTNTC từ góc độ văn hóa, trên thế giới hiện nay, tùy theo nhận thức và góc độ nghiên cứu, người ta đã đưa ra hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Một định nghĩa đại ý là: Văn hóa là phản ánh trình độ Người của mỗi một con người, trình độ Người của mỗi một dân tộc, trình độ Người của mỗi một thời đại. Theo định nghĩa này, chữ “Người” ở đây được viết hoa theo đúng ý nghĩa tốt đẹp nhất của từ này, tức là một con người, một dân tộc, một thời đại luôn luôn phấn đấu và hành động theo các tiêu chuẩn của cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ. Nhà văn Nga-Xô viết Maxim Gorky đã có lần thốt lên rằng: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! 

    Văn hóa bị lâm nguy!”(1). Dân tộc Việt Nam chúng ta đã có cả hàng nghìn năm văn hiến, trong đó có những biểu hiện trình độ Người trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm cũng như ứng xử với tự nhiên, môi trường và với đồng bào, đồng loại của mình. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; v.v… Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân ta đứng lên làm cách mạng, giành lại chính quyền về tay nhân dân, xây dựng xã hội mới, trong đó đã phát huy được sức mạnh tiềm tàng của nền văn hiến, các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Trong thời đại mới, vẫn còn không ít tàn dư, truyền thống lạc hậu, trở thành “kẻ thù to” (ý của Bác Hồ) kiềm chế sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Quanh cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày
Quanh cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021

    Do đó, trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943) đề ra định hướng “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng thời với vấn đề “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc ngoại xâm” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra nhiệm vụ “diệt giặc nội xâm” tức là tham ô, lãng phí. Theo Người, “giặc nội xâm” - tham ô, lãng phí, là thứ giặc ở trong lòng, cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã nhận thức và đề ra nhiệm vụ: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Ðồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”(2). Văn hóa ở đây, theo Bác Hồ là văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong công tác xây dựng Đảng, tức văn hóa Đảng, để Đảng ta ngày càng “là đạo đức, là văn minh”. 

    Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng làm nên trình độ “Người” của một con người, trình độ “Người” của một dân tộc chính là văn hóa đạo đức. Người ta thường gắn văn hóa đạo đức với phẩm cách, lối sống, phép ứng xử của con người với con người, của con người với tự nhiên,... Có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa đạo đức, nhưng với thể chế xã hội, đất nước ta hiện nay, văn hóa đạo đức trước hết được vận dụng, xem xét coi đó là một bộ phận, thành tố của văn hóa tinh thần xã hội. Giá trị văn hóa đạo đức là những giá trị, chuẩn mực đạo đức ăn sâu trong nhận thức, hành động của cộng đồng, được xã hội thừa nhận và được thể hiện thông qua hành vi của con người, trước hết là trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Văn hóa đạo đức ở nước ta trải qua nhiều triều đại, giai đoạn lịch sử khác nhau, nó được xây dựng, phát triển trên cơ sở là một hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, kết hợp với những giá trị của thời đại mới theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị, tinh hoa văn hóa các dân tộc trên toàn thế giới trong quá trình giao lưu, hội nhập. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trong quá trình hoạt động cách mạng từ rất sớm, Người đã rất đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa đạo đức, nhất là trong cán bộ, đảng viên. Cũng giống như tự nhiên, “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”(3). Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhất quán khẳng định đạo đức cách mạng (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư) là “gốc” của người cán bộ cách mạng, nó đối lập hoàn toàn với những biểu hiện của “giặc nội xâm”. Không phải đến bây giờ, dân tộc Việt Nam đã xây dựng, hình thành truyền thống văn hóa đạo đức trong nền văn hiến dân tộc, trải qua nhiều triều đại, giai đoạn lịch sử khác nhau, nó được xây dựng, phát triển trên cơ sở là một hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, kết hợp với những giá trị của thời đại mới theo quan điểm chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị, tinh hoa văn hóa các dân tộc trên toàn thế giới trong quá trình giao lưu, hội nhập. Trong gần 40 năm đổi mới đất nước, “nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn (...). Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực”(4). Nhờ có văn hóa mà “tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm”(5). Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hóa, định lượng hóa yếu tố văn hóa trong các quy định của Đảng về công tác văn hóa, công tác cán bộ.

    Chẳng hạn, Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, suy cho cùng thì đều do suy thoái về văn hóa và văn hóa đạo đức. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, đã đề ra nhiệm vụ, gắn xây dựng  văn hóa với PCTNTC: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh PCTNTC, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Như vậy, có thể khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở lý luận để nghiên cứu, tìm các giải pháp làm sao để văn hóa góp phần vào công tác PCTNTC. Nói một cách cụ thể hơn thì một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa phải có lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử với cộng đồng, với tự nhiên một cách có văn hóa. Còn những gì là giả dối, xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi,... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.
 
    Vậy cần nhìn nhận như thế nào về hàm lượng văn hóa trong các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực (TNTC) cũng như những chủ thể TNTC, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý? Đây cũng là vấn đề mới, ít thấy ai mổ xẻ một cách rành rọt cụ thể, kết luận rõ ràng. Như trên đã nói, tham nhũng, lãng phí (ngày nay có thể gom lãng phí vào khái niệm tiêu cực) được coi là “giặc nội xâm”, là “kẻ thù của nhân dân”. Vậy thì trong giặc nội xâm đó có yếu tố nào được gọi là văn hóa không? Hay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những người tham nhũng, tiêu cực, tức là không tuân thủ các yếu tố tối thiểu của văn hóa đạo đức (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư) là “thiếu đức” thì có còn xứng đáng thành “Người” không? Trong nội hàm của văn hóa có yếu tố trình độ học vấn (tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, đã có bằng cao cấp, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chính trị học, quản lý nhà nước…).
 
    Vậy khi mắc vào TNTC thì những trình độ học vấn, văn bằng như trên thì hàm lượng văn hóa trong con người đó như thế nào? Khi cán bộ, đảng viên (kể cả những người có học vấn cao các chuyên ngành văn hóa) mắc vào tội TNTC bị xử lý kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, thậm chí bị xử lý hình sự, thì chúng ta nên xác định những con người đó có văn hóa không hay chỉ là con người mà nghiêng về phần “con” hơn là phần “Người”? 
 
    Trong nhiều công trình nghiên cứu, các học giả văn hóa - xã hội, các chuyên gia công tác xây dựng Đảng thường dùng các từ không thể nặng hơn cho tệ TNTC như: “vô văn hóa”; “ăn cướp của dân”; “phản văn hóa”; “phi văn hóa”; “đi ngược lại những giá trị tốt đẹp truyền thống dân tộc”; “đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ”. Khi trong một tập thể tổ chức, cấp ủy đảng có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý bị hư hỏng, sa vào TNTC, lợi ích nhóm, thao túng quyền lực... thì “môi trường văn hóa” ở đó và rộng ra là xã hội bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, TNTC. Dưới góc độ văn hóa, hiện nay, chúng ta chưa có một khái niệm chung để chỉ những tập thể, cá nhân TNTC! Có lẽ, xét dưới góc độ văn hóa, trong các hiện tượng TNTC thì có lẽ văn hóa ở đây bằng không. Chính vì thế, các cá nhân sau khi mãn hạn tù, khi hết án kỷ luật được ghép thời kỳ “phục hồi nhân phẩm” hoặc “làm lại cuộc đời”, thực chất là học lại để làm “Người”!.
 
    Vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay là PCTNTC dưới góc độ văn hóa nghĩa là thế nào, bằng cách nào? Chắc chắn, không ai phiến diện chỉ đưa ra một vài giải pháp mà có thể PCTNTC ở góc độ văn hóa thành công. Có những giải pháp căn bản, lâu dài, có những giải pháp cấp thiết, cần làm ngay. Với tư cách “nền tảng tinh thần của xã hội” thì cái “nền” ấy cần được xây dựng nên bởi các nguyên vật liệu vững chắc và bền bỉ. Theo đó, phải làm cho văn hóa ngấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chẳng hạn, cần xây dựng, vận hành, phổ biến rộng rãi, nâng cao nhận thức về văn hóa chính trị, văn hóa Đảng, văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử, văn hóa pháp lý, văn hóa kinh doanh, văn hóa gia đình, văn hóa trong công tác kiểm tra, giám sát PCTNTC,... Đồng thời, vận dụng những tiến bộ, thành tựu trong khoa học, công nghệ của nhân loại, nhất là công nghệ thông tin, số hóa,... yếu tố có tính quyết định việc công khai, minh bạch thông tin trong PCTNTC.
 
    Có nhiều giải pháp rất đúng đắn, phù hợp trong công tác PCTNTC từ góc độ văn hóa mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra từ lâu. Chỉ có điều vì nhiều lý do, nhiều cán bộ chỉ đọc lướt qua, làm chưa khắp, chưa tới và chưa chịu nêu gương cho quần chúng, nhân dân làm theo. Đảng ta coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Đây chính là coi trọng nguồn lực văn hóa, động lực văn hóa của sự phát triển đất nước. Hệ thống di sản văn hóa, các giá trị văn hóa là nguồn vốn văn hóa to lớn của sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa đạo đức là “gốc” của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do vậy, đồng thời với việc nâng cao trình độ văn hóa cho toàn xã hội, rất chú trọng giáo dục, rèn luyện một cách thiết thực, cụ thể văn hóa đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị. Một trong những lỗ hổng về văn hóa trong thời gian qua là hệ thống giáo dục nói chung, hệ thống các nhà trường, học viện giáo dục, quản lý cán bộ nói riêng thường nặng về giáo dục kiến thức, dạy chữ, dạy nghề, dạy chuyên môn, nghiệp vụ mà chưa chú ý nhiều đến việc dạy nhân cách, dạy tâm hồn, dạy để biết làm Người.
 
    Do vậy, một  trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay là phải coi trọng yếu tố văn hóa của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo quản lý càng cao, vị trí càng quan trọng thì càng phải có văn hóa, trong đó có văn hóa đạo đức mà Đảng, Bác Hồ đã rất nhiều lần chỉ rõ. Tính tự giác, lương tâm và nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo trội lên sẽ ngăn chặn hành vi sai trái với địa vị, chức trách của mình. Lúc đó, ý thức trách nhiệm, ý thức công dân, ý thức chính trị sẽ thắng cái cá nhân nhỏ nhen, ti tiện. Tự PCTNTC là một cuộc đấu tranh quyết liệt trong chính mỗi cá nhân cán bộ. Văn hóa trong cá nhân mỗi người sẽ chiến thắng giả dối, cái ác, cái xấu, luôn luôn hướng tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ. Khi cán bộ lãnh đạo, quản lý có văn hóa, có phẩm chất đạo đức cách mạng, khi đứng trước những cám dỗ của vật chất, của tiền tài, địa vị thì họ sẽ vượt qua được ranh giới rất mong manh này: Hoặc xứng đáng là “Con Người”, hoặc trở thành thành viên của “giặc nội xâm”, phản văn hóa, đi ngược lại lợi ích của đồng bào, dân tộc. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
 
    Rất nhiều cán bộ, đảng viên đã từng trải qua “hòn  tên, mũi đạn”, thậm chí trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua, người nổi tiếng,  nhưng do thiếu được rèn luyện, giáo dục, chỉ cần một cái tắc lưỡi và trở thành tội phạm. Điều này rõ ràng phải yêu cầu có sự rèn luyện thường xuyên của bản thân và sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của tập thể, đồng chí, đồng đội. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, nhưng tự cho mình cái quyền đi giáo dục người khác mà tụt hậu, sa vào TNTC. PCTNTC từ góc độ văn hóa có lẽ không thể lơ là, bỏ qua, buông lỏng thẩm định “đầu vào” trong tuyển chọn cán bộ, công chức cũng như cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý. Bấy lâu nay, việc thi cử, tuyển chọn cán bộ, công chức thường thì chỉ nghiêng về việc thẩm định các văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn về học vấn. Việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cũng rất ít lấy tiêu chuẩn văn hóa của nhân sự làm tiêu chuẩn bắt buộc. Trình độ văn hóa nhiều khi bị đánh đồng với trình độ học vấn.
 
    Tiêu chuẩn văn hóa đạo đức cũng không được lượng hóa hoặc bị che đậy bởi những yếu tố khác. Đến khi cán bộ, đảng viên sa vào TNTC, đối chiếu với các tiêu chuẩn thì thường là có những yếu kém, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm về văn hóa đạo đức: Lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm những điều đảng viên không được làm, v.v… Trong các tổ chức, cấp ủy đảng hay cơ quan, đơn vị chuyên môn, quá trình tự phê bình và phê bình, kiểm điểm định kỳ, nhận xét cán bộ, đảng viên thường rất ít đề cập đến khía cạnh văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, ứng xử của cán bộ, đảng viên. Không ít cán bộ làm công tác PCTNTC vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rơi vào vòng lao lý, suy cho cùng là không được thẩm định về văn hóa đạo đức của người cán bộ. Định lượng hóa tiêu chuẩn văn hóa, làm cho văn hóa “ngấm” vào công tác cán bộ, đưa vào tiêu chí của công việc “gốc” của Đảng là hoàn toàn khả thi và cần thiết. Là giải pháp lâu dài, căn bản, bền vững trong công tác PCTNTC. 
 

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ/Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/(...)/Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/Nói tóm lại, chính quyền và lực lượng đều ở nơi dân”(6). Người còn nói: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(7).
 

    Đại hội XIII của Đảng phát triển phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Với tinh thần đó, PCTNTC ở góc độ văn hóa nhất thiết cần phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, tức là xây dựng và thực hiện văn hóa dân chủ trong công tác này. Theo đó, văn hóa dân chủ thể hiện ở nền dân chủ XHCN trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Dựa vào lực lượng quần chúng, nhân dân trong PCTNTC, với tư cách là người chủ, người dân có quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời về những đầy tớ, công bộc của mình thông qua người đại diện hoặc trực tiếp bằng nhiều cách khác nhau. Dân làm chủ, tức là quần chúng nhân dân có quyền làm chủ trong công tác cán bộ, như vậy, cán bộ, đảng viên phải tạo điều kiện để nâng cao trình độ, năng lực làm chủ, năng lực giám sát, phản biện xã hội của tổ chức đại diện cho quần chúng nhân dân cũng như mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp khác.

    Việc cán bộ, đảng viên tự phê bình trước dân, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập, tạo điều kiện để quần chúng nhân dân ở nơi công tác, nơi cư trú góp ý với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chính là biểu hiện của văn hóa dân chủ. Phát huy, tổ chức xây dựng văn hóa dân chủ chính là một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài, bền vững để PCTNTC có hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó coi pháp luật là tối thượng trong mọi hoạt động của Nhà nước, của xã hội nhằm mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vũ Lân
(Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân vận)

    (1) Maxim Gorky: “Những ý tưởng không hợp thời” (Đời Mới, trong những năm 1917-1918), nhật báo Novaja Žizn, Nxb.  Surkamp taschenbuch Đức, 1974.
    (2) Hồ Chí Minh Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, H.1997, tr.320.
    (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2002, t.5, tr.631.
    (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.64.
    (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.1, tr.76.
    (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2002, t.5, tr.698.
    (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.6, tr.495.

 

.