Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức

Thứ Năm, 28/03/2019, 15:52 [GMT+7]

Sáng ngày 26-3-2019, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ 17 để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì Phiên họp.

Tại Phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã cho ý kiến vào một số nội dung cơ bản sau đây:

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, đa số ý kiến thống nhất với cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức như trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương đã được xác định rõ tại các Nghị quyết Trung ương 4, 5,6,7,8 về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp

Về đối tượng là công chức, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật theo hướng không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức để tạo sự thống nhất trong thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần xác định rõ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước được áp dụng chế độ công chức là những đơn vị nào.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án: (1) Tất cả trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn; (2) Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 02 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Đa số ý kiến tán thành với Phương án 2 vì bảo đảm ổn định tâm lý cho người lao động là viên chức, tránh được cơ chế xin cho và cũng thống nhất các quy định của Bộ luật lao động; tuy nhiên, cần bổ sung cơ chế đánh giá, phân loại với người lao động để tạo động lực cho họ luôn nỗ lực, cố gắng.

Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định bổ sung về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác; tuy nhiên cần có thời hiệu xử lý, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này (thẩm quyền, trình tự, hình thức, thủ tục xử lý kỷ luật, hệ quả pháp lý...).

Đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định trong Luật về phân loại công chức, các ngạch công chức cơ bản và nghiên cứu sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể làm cơ sở cho việc xây dựng thang lương, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và vị trí việc làm theo Đề án tiền lương. Đối với việc nâng ngạch công chức, có thể áp dụng hình thức xét nâng ngạch; tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ trong Luật tiêu chí phân biệt đối tượng công chức được áp dụng hình thức thi nâng ngạch và đối tượng công chức được xét nâng ngạch.

Tại Phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần giải thích rõ khái niệm "nhân tài", "người có tài năng", "miền núi", "hải đảo"...; chính sách liên thông về công chức cấp xã với công chức nói chung cần rõ ràng, cụ thể hơn; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương trong tuyển dụng, tiếp nhận và đưa ra các chính sách thu hút nhân tài phù hợp với đặc thù của địa phương.Ngoài những nội dung trên, các thành viên của Ủy ban Pháp luật còn cho ý kiến về việc tuyển dụng công chức; về phân loại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; về thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

.