Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức Chính phủ

Thứ Bảy, 02/03/2019, 09:33 [GMT+7]

Ngày 28-2, tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật cán bộ, công chức; và Luật viên chức.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện Bộ Nội vụ, đại diện HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đắk Lắk.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua gần 3 năm triển khai thi hành, Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể, theo Luật tổ chức Chính phủ hiện hành, việc giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước làm giảm tính kịp thời trong chỉ đạo, điều hành; giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện đãn đến các cơ quan này cơ bản được thành lập giống nhau ở các địa phương, dẫn đến giảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức, hoạt động ở các địa phương...

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Trong khi đó, Luật tổ chức chính quyền địa phương có một số quy định về phân quyền, ủy quyền chưa được rõ, gây khó khăn cho các cấp chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; việc quy định “cứng” số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã làm giảm tính linh hoạt, chủ động trong bố trí, sử dụng nhân sự trên địa bàn của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp tỉnh…

Theo đó, lần này Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII; Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Trình bày dự thảo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 3 điều, trong đó Điều 1 - sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ; Điều 2 - sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương; Điều 3 là hiệu lực thi hành. Theo đó, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 13 điều nội dung tại 3 điều của Luật tổ chức Chính phủ hiện hành và sửa 20 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Các đại biểu thống nhất việc cần sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung cần bám sát theo các vấn đề đã được định hướng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Khóa XII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị cho chủ trương hoặc kết luận liên quan đến tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.

Đóng góp ý kiến về cơ cấu thành viên UBND cấp tỉnh, huyện, Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định UBND cấp tỉnh, huyện gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Đa số đại biểu cho rằng, cần quy định cơ cấu thành viên UBND như Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Theo đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên là người đứng đầu một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp là Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an mà không bao gồm tất cả người đứng đầu cơ quan chuyên môn như hiện nay.

Theo các đại biểu, quy định như vậy không ảnh hưởng đến việc lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội. Vì việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có các chức danh cán bộ (do bầu) mà vẫn có thể lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh công chức (do bổ nhiệm). Thực tế hiện nay trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong nhiệm kỳ nhiều chức danh không do bầu cử như Thứ trưởng hoặc tương đương nhưng vẫn thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị, giữ nguyên quy định như Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

                                                                          Vũ Khuyên

.