Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016

Thứ Ba, 08/08/2017, 17:26 [GMT+7]

Ngày 7-8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016" họp phiên toàn thể lần thứ 3, làm việc với Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát. Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì Phiên họp.

Việc giám sát được tiến hành đối với giai đoạn 2011-2016, là giai đoạn có sự chuyển tiếp giữa 3 nhiệm kỳ Chính phủ, tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính Nhà nước trên phạm vi cả nước, bao gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo báo cáo của đoàn giám sát đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trên 3 phương diện: Công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; công tác quản lý và tinh giản biên chế.

Trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Đoàn giám sát nhận định những kết quả nổi bật như: Các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được ban hành với số lượng lớn, góp phần thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng; nội dung các văn bản có tính bao quát, toàn diện, điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau; hệ thống văn bản pháp luật từng bước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ rõ công tác này còn nhiều bất cập, hạn chế. Đó là chưa thể chế hóa đầy đủ, kịp thời một số chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; hệ thống văn bản pháp luật nhiều tầng nấc, thiếu tính ổn định, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nên khó thực hiện thống nhất; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định làm phát sinh tổ chức, bộ máy mới hoặc dẫn đến tăng biên chế.

Đối với việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, kết quả đạt được là cơ cấu tổ chức của Chính phủ tiếp tục được giữ ổn định, không tăng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các cấp và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện được sắp xếp, kiện toàn, bước đầu đã tính đến đặc điểm của đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo... Mặc dù vậy, công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: Chưa rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các cơ quan, hình thành nhiều tổ chức phối hợp liên ngành; tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên; chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và lựa chọn mô hình tổ chức hợp lý đối với các cơ quan thuộc Chính phủ... Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định, chưa đạt mục tiêu đề ra; ở nhiều bộ, ngành, địa phương quản lý biên chế chưa nghiêm, tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra phổ biến...

Đoàn giám sát đưa ra một số giải pháp, kiến nghị: Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước; tổ chức sắp xếp các cơ quan gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, quyền hạn, trách nhiệm; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với Chính phủ điện tử; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát lưu ý, những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được và bất cập, hạn chế phải lô-gic, nhất quán với nhau, chọn câu chữ chính xác, cô đọng, khái quát, từng phần phải có điểm nhấn. Phần đánh giá nguyên nhân của dự thảo báo cáo cần bổ sung nguyên nhân do thể chế, dù đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa quán triệt sâu sắc, đầy đủ các chủ trương đề ra trong nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính, cải cách bộ máy hành chính.

Dự thảo báo cáo cần chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm, trước hết là bảo đảm vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Bên cạnh đó, cải cách bộ máy hành chính cần thực hiện quyết liệt, kiên trì nhưng phải bài bản, có kế hoạch, chỉ tiêu, đồng bộ cả hệ thống. Ngoài ra, bài học kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên hơn, chỉ rõ những mô hình tốt, cách làm hiệu quả và những bất cập, thiếu sót. Các kiến nghị, giải pháp cần tách bạch, nêu rõ ràng, cụ thể các nội dung.

Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, các phụ lục và tài liệu kèm theo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 13 sắp tới.                                                                                    

                                                                                      Vũ Khuyên

                                                                               (Truyền hình Quốc hội)

;
.