Chống thất thoát lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ Sáu, 16/09/2016, 15:27 [GMT+7]

Ngày 15-9, tiếp tục Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Tờ trình về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, tài sản Nhà nước tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng tài sản công thì xây dựng, ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) hiện nay là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) của Chính phủ

Thẩm tra dự luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, khái niệm về tài sản công tại Dự thảo luật chỉ mang tính liệt kê một số loại tài sản mà không đưa ra được định nghĩa chung nhất về các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Việc liệt kê các loại tài sản và cơ quan quản lý, sử dụng tài sản dẫn đến không đủ tính bao quát, không phù hợp với xu thế phát triển, vận động và thay đổi của nền kinh tế.

Cơ quan này cũng đánh giá, Dự thảo luật quy định về phân loại tài sản công nhưng liệt kê cả các cơ quan quản lý, sử dụng tài sản công là chưa hợp lý.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong thực tế có nhiều loại tài sản công không hoặc chưa xác định được giá trị, sẽ không thể hạch toán kế toán đầy đủ theo yêu cầu của Luật.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần rà soát bảo đảm các quy định của luật này không chồng chéo, xung đột với các quy định có liên quan trong luật khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo luật này nếu đưa ra Quốc hội sẽ rất được đại biểu và dư luận quan tâm. Đề cập đến hai vấn đề mà dư luận quan tâm nhiều là quản lý xe công và nhà công vụ, bà Nga đề nghị báo cáo tổng kết thi hành phải làm rõ được tình hình thực tiễn sử dụng nhà công vụ, vấn đề gì đang đặt ra, xử lý như thế nào?

Với xe công, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn số liệu, khối cơ quan nhà nước đang sử dụng 16.653 chiếc; khối đơn vị sự nghiệp: 16.194 chiếc; khối các tổ chức: 4.566 chiếc; khối các Ban Quản lý dự án: 224 chiếc. Luật này phải giải quyết được tình trạng việc sử dụng xe công sai mục đích dù giảm nhiều nhưng số lượng xe công còn lớn, việc sử dụng sai mục đích nhiều.

Ngoài các vấn đề trên, cơ quan thẩm tra và các ý kiến phát biểu đề nghị, để đảm bảo hơn nữa tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công ở các luật chuyên ngành, để tiến hành bổ sung sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn./.

                                                                             Hương Thủy

                                                                                 (TTXVN)

;
.