Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm, 14/07/2016, 09:01 [GMT+7]

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. 

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: 10 năm qua, toàn ngành thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai hàng nghìn cuộc thanh tra hành chính, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra trong 10 năm qua là gần 60.000 tỷ đồng và hơn 400 ha đất; đã có hơn 4.670 tỷ đồng và hơn 219 ha đất được thu hồi.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đó là: thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn bất cập; việc công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...

Bên cạnh đó, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu (10 năm, xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp). Mới xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Quy định của pháp luật về nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi...

Hội nghị nhất trí việc sửa đổi Luật PCTN là rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Luật PCTN sửa đổi cần đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự đã có để tạo khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, trong 10 năm qua, công tác PCTN của Chính phủ đã tạo được chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nổi bật là việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai khá đồng bộ. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai trên diện rộng tới từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN

Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về PCTN và các văn bản có liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc để thật sự là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện PCTN; tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần tích cực vào việc PCTN. Yêu cầu Ban soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi) nghiên cứu đầy đủ các hạn chế, vướng mắc về thể chế, chính sách đã được rút ra qua tổng kết và những phương án đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo tổng kết để chọn lọc, tiếp thu và đưa vào dự thảo Luật PCTN (sửa đổi).

Dịp này, 10 cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác PCTN.

                                                                             Hương Thủy

                                                                               (TTXVN)

;
.