Yên Bái: Tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015

Thứ Tư, 15/07/2015, 15:55 [GMT+7]
    Ngày 13-7-2015, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội nghị lần thứ 29 (mở rộng) sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015, tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015. Đồng chí Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, trong nhiệm kỳ 2011-2015, Tỉnh uỷ Yên Bái thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của các cơ quan tư pháp Trung ương trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp và hoạt động luật sư; kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh. Đã tổ chức và chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; ban hành Kế hoạch tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp theo đúng chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh…. Thường trực Tỉnh uỷ thường xuyên chủ trì tổ chức giao ban khối các cơ quan nội chính và chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp; chỉ đạo tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh… Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng các cơ quan tư pháp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy về lĩnh vực công tác cải cách tư pháp.
Trong nhiệm kỳ, các cơ quan điều tra đã đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm. Đã giải quyết 2.512 tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 2.161 vụ, 3.440 bị can; kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 2.021 vụ, 3.236 bị can. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự được coi trọng, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra nên đã hạn chế được tình trạng trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (tỷ lệ trả hồ sơ hằng năm được duy trì ở mức dưới 2%). Trong nhiệm kỳ, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý kiểm sát điều tra 2.056 vụ, 3.213 bị can; Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã ra quyết định truy tố 1.956 vụ, 3.141 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.990 vụ, 3.179 bị cáo; kiểm sát xét xử phúc thẩm 265 vụ, 384 bị cáo; kiểm sát giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm 10 vụ, 14 bị cáo. Hoạt động xét xử, giải quyết án, đã từng bước mở rộng việc tranh tụng tại phiên toà; tổ chức được 478 phiên toà lưu động, chất lượng xét xử được nâng lên; không để xảy ra việc kết án oan người không có tội; trong nhiệm kỳ, Tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết 7.991 vụ việc các loại. Các cơ quan thi hành án hình sự đã thi hành 2.074/2.075 bản án, quyết định hình phạt tù; công tác xét giảm án, đề nghị xét đặc xá được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã thụ lý 17.539 việc với số tiền phải thi hành 195.555.832.000 đồng. Đã giải quyết xong 15.871 việc, đạt tỷ lệ 95% so với số việc có điều kiện thi hành, với số tiền thi hành được là 112.279.071.000 đồng, đạt tỷ lệ cao so với số tiền có điều kiện thi hành.
 
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 29
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 29
    Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có phát triển cả về số lượng và chất lượng; hầu hết có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo tương đối bài bản, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. 
 
    Về phương hướng nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh uỷ xác định: Tiếp tục phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, trọng tâm là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Đảm bảo mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; hạn chế tối đa việc sửa án, hủy án do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân khi tham gia hoạt động tư pháp. Làm tốt công tác tạo nguồn, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ tư pháp bảo đảm đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của các ngành tư pháp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bổ trợ tư pháp. Củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp. Quan tâm phát triển đội ngũ luật sư; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tạo mọi điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức công chứng, tạo điều kiện để các tổ chức công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội. Bố trí kinh phí hỗ trợ một số hoạt động của các cơ quan tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo quy định. Quan tâm xây dựng, nâng cấp trụ sở các cơ quan tư pháp, đầu tư thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động tư pháp. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. 
 
    Tổ chức thực hiện tốt chương trình giám sát hoạt động tư pháp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, của hội đồng nhân dân các cấp. Nâng cao chất lượng chất vấn, trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp hội đồng nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí và toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động tư pháp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời có chủ trương, định hướng để các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. 
 
    Lãnh đạo thực hiện công tác tổ chức, cán bộ theo đúng quy định. Chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm của cán bộ tư pháp. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. 
 
    Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và cơ quan thường trực, tổ thư ký tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo. Nâng cao chất lượng tham mưu theo hướng chuyên sâu của Ban Nội chính Tỉnh uỷ và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp. 
Hoàng Xuân Đán
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái)
;
.