Bộ Tư pháp: Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp trong thời kỳ mới

Thứ Hai, 14/07/2014, 09:36 [GMT+7]

Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và các văn bản của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 8 năm qua, việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng nội tại của nền tư pháp. Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; một số nhiệm vụ thực hiện còn chậm, chưa đúng lộ trình đề ra; vẫn còn một khó khăn trong việc thiết lập hệ thống Tòa án, mô hình thi hành án, tổ chức cơ quan điều tra…
Để tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp, Kết luận số 92-KL/TW đã xác định nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, đồng thời quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 có liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp. Trên cơ sở đó, Kết luận số 92-KL/TW đã điều chỉnh một số nội dung về quan điểm và nhiệm vụ về cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW: bổ sung nội dung “kiểm sát” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát quân sự Trung ương như hiện nay và sắp xếp tinh giản đầu mối trong từng cơ quan; tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; dừng việc thực hiện chủ trương “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”, tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan thi hành án như hiện nay, đồng thời, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án.  
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã trao đổi, thảo luận đưa ra các phương hướng và biện pháp để đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới về công tác thi hành án dân sự, hành chính; hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực do Ngành Tư pháp quản lý; xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp; phát triển trợ giúp pháp lý và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp thời kỳ mới.                                                                                     

Thu Hương
(Bộ Tư Pháp)
 

;
.