Tăng cường hiệu quả thi hành Luật phòng, chống tham nhũng - kinh nghiệm một số nước và thực tiễn ở Việt Nam

Thứ Tư, 09/12/2015, 10:40 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 08-12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo “Tăng cường tính hiệu quả thi hành Luật phòng, chống tham nhũng - kinh nghiệm một số nước và thực tiễn ở Việt Nam”.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tham dự có các đại biểu đến từ Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Hội Luật gia, Học viện Tư pháp…; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các chuyên gia của UNDP tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các chủ trương, đường lối và chính sách nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, luật được ban hành nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống. Do vậy việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng được đặc biệt quan tâm. Thông qua Hội thảo này, đồng chí mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, sát với thực tiễn từ các đại biểu.

Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam hy vọng qua Hội thảo giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thông qua việc sửa đổi, bổ sung chính sách phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam; tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan chức năng trong đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, quan tâm tới vấn đề tham nhũng ở khu vực tư nhân, ngoài quốc doanh và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Ông Burkhanov nhấn mạnh, tham nhũng là vấn đề của cả cộng đồng và cần huy động sức mạnh của cả cộng đồng vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Hội thảo đã nghe Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra và ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ trình bày chuyên đề “Hoàn thiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng về minh bạch tài sản, thu nhập đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế” và “Tăng cường hiệu quả các quy định về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng trong Luật phòng, chống tham nhũng”. Tiến sĩ Sahra Dix, Cố vấn chính sách về chống tham nhũng UNDP Việt Nam và ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về chức năng của chính phủ về thể chế giải trình UNDP New York trình bày “Góc nhìn quốc tế về pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và một số đề xuất tăng cường hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng”. Ông Christopher Batt, Cố vấn khu vực về chống rửa tiền, Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy cua Liên hợp quốc gợi mở vấn đề rất mới đó là “Tịch thu tài sản trong trường hợp không có bản án hình sự”.

Các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu thảo luận tập trung vào 08 nhóm vấn đề:  Giải  pháp công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác; kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương khi để xảy ra tham nhũng; công tác tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng; phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; việc xử lý hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng.

Một số đại biểu cho rằng kê khai tài sản không thể trông chờ vào sự trung thực; khi phát hiện việc kê khai tài sản không trung thực thì bộ phận tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị sẽ đi xác minh, nhưng việc xác minh thường không theo trình tự, thủ tục, không có chuyên môn thì kết quả xác minh không chính xác. Có đại biểu mạnh dạn đề xuất các giao dịch hơn 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua tài khoản, qua ngân hàng nếu không  thì việc giao dịch này bị coi là bất hợp pháp và phải bị thu hồi; phòng ngừa tham nhũng phải từ chính sách không để có cơ chế xin cho, có xin cho là có tham nhũng…

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá Hội thảo lần này ghi nhận công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Những ý kiến, tham luận tâm huyết của các chuyên gia trong nước và quốc tế nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam nhiệm kỳ tới. Các ý kiến thống nhất, để có một hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng tốt phải lấy phòng ngừa làm chính; việc phòng ngừa phải từ xây dựng thể chế, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật mà trước tiên là thể chế quản lý kinh tế - xã hội tốt để không có kẽ hở cho các đối tượng có thể lợi dụng để tham nhũng và việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng phải nghiêm minh.

Cù Tất Dũng

;
.