Cuộc đấu tranh không chiến tuyến

Thứ Ba, 05/09/2023, 10:25 [GMT+7]
    Tham nhũng, tiêu cực là thói hư, tật xấu của những người “hễ thấy hơi đồng là mê” và chủ yếu diễn ra với cán bộ có chức, có quyền. Vô cùng gian truân để chống lại vấn nạn bức xúc này vì đây là cuộc đấu tranh không chiến tuyến với kẻ thù vô hình nằm ngay trong mỗi con người và cũng là đồng chí, đồng đội của nhau; nó còn cam go hơn cả chống giặc ngoại xâm. Nhờ sức mạnh của nhân dân, cách mạng mới dành được chính quyền, nhưng có giữ được lòng dân để xây dựng đất nước hay không thì phần lớn là ở cuộc đấu tranh ấy.
 
    Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ
 
    Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước ta ra đời. Ngay từ những ngày đầu chính quyền non trẻ đi vào hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng trên Báo Cứu quốc, cảnh báo thói hư, tật xấu của cán bộ, nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân. Những điều Người chỉ ra trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng từ ngày 17/10/1945 nay vẫn là lời nhắc nhở đối với nhiều ngành, nhiều cán bộ, như: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp,… Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những phao phí đó ai phải chịu?”(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, trang 57). Năm 1950, Người đã bác đơn xin tha tội chết của nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (Châu bị kết án tử hình vì biển thủ công quỹ, phá hoại công cuộc kháng chiến). “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”- Người đau lòng nói.
 
Toàn cảnh Phiên họp 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh Thu Huyền)
Toàn cảnh Phiên họp 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh Thu Huyền)
    Cuộc chiến chống tham nhũng được Đảng ta tiến hành từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt, bài bản, hiệu quả như gần đây, được nhân dân hoan nghênh, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Vậy mà dường như vẫn không đủ sức răn đe, ngăn chặn máu tham của nhiều cán bộ. 
 
    Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ trước). 91 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 17 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương, 23 sỹ quan cấp tướng (tăng gần hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII); đã xử lý hình sự 02 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 04 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 05 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 07 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; 02 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và 09 sỹ quan cấp tướng. 
    Trong hàng trăm, hàng nghìn vụ án tham nhũng, dư luận bức xúc nhất là vụ chuyến bay “giải cứu” đưa đồng bào ta từ các tâm dịch về nước. 54 bị cáo đã bị tòa sơ thẩm tuyên án, trong đó có bốn án tù chung thân. Đó còn là vụ liên quan đến Công ty Việt Á, nâng khống giá kít test xét nghiệm Covid-19 mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can. 
 
    Nhớ những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, càng thấy tình người cao đẹp của đồng bào ta; ai ai cũng sẵn lòng san sẻ cho nhau từng gói mì tôm, mớ rau; rồi những quán “không đồng” xuất hiện dọc các tuyến đường mà người lao động rời thành phố về quê tránh dịch, để giúp người khó khăn. Cả nước gồng mình lên chống dịch như chống giặc, nhưng rồi vẫn có ngày hàng mấy trăm người bị bệnh dịch cướp đi sinh mạng. Vất vả như thế; đau thương như thế ! Vậy mà hàng trăm cán bộ trong đó có cả bộ trưởng, thứ trưởng, thư ký giúp việc, vụ trưởng, vụ phó, bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch tỉnh lại đang tâm lợi dụng chủ trương, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta để trục lợi, mất hết cả tình người. Có những cán bộ nhận hối lộ đến 54 tỷ đồng. Còn gì để nói ! Không thể không xử nghiêm những đối tượng như vậy. Cuộc đấu tranh không chiến tuyến này không đổ máu, nhưng đau đớn lắm, bởi nó để lại vết sẹo hằn sâu vào lòng tin của nhân dân. Vết sẹo ấy chỉ có thể chữa lành khi vấn nạn nêu trên được đẩy lùi. 
 
    Chống tham nhũng, tiêu cực phải từ sớm, từ xa
 
    Giữa những ngày thu lịch sử, trên khắp các nẻo đường Tổ quốc, đâu đâu cũng rợp cờ hoa tưng bừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc kháng 2/9. Tự hào và kiêu hãnh biết bao! Một dân tộc ngàn đời khát vọng độc lập, tự do và bằng chính sức mình mang dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng dậy đạp đổ mọi gông xiềng nô lệ, làm chủ vận mệnh của mình; đã đoàn kết một lòng tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 
 
    Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng con đường đi lên phía trước của đất nước đang rộng mở, rực ánh bình minh. Để hành trình đổi mới thành công, một trong những việc “cần làm ngay” là tập trung hóa giải những thách thức đang đặt ra và không thể không nói đến căn bệnh trầm kha, đó là tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng thì thời nào cũng có, vì nó là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Thế nên, từ năm 2003, ngày 9/12 hằng năm được lấy làm Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng và đến năm 2020, có gần 190 nước tham gia. Thời Hy Lạp cổ đại đã đưa ra luật lệ, nếu quan chức tham ô, ăn đút lót sẽ bị thiết hoặc làm cho mù mắt. Với nước ta, Bộ Luật Hồng Đức ở thế kỷ XV quy định, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan sẽ bị xử tội hạ chức hay bãi chức; từ 50 quan trở lên thì xử tử. Thế mới thấy cuộc đấu tranh không chiến tuyến này có từ đông sang tây, từ xưa lắm rồi, quốc gia nào, thể chế chính trị nào cũng phải hứng chịu.
 
    Để chống tham nhũng, tiêu cực thành công, cần quyết liệt, kiên trì, bài bản hơn nữa, có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa và nó đã thật sự trở thành xu thế, việc làm tất yếu, không ai được phép đứng ngoài. Nhiều lần đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định như vậy. Tham nhũng là do lòng tham mà ra, do vậy phải tìm cách “đánh chặn” những thứ tấn công vào lòng tham của con người bằng những “hàng rào phòng vệ” chắc chắn. Đó là xây dựng các thể chế, cơ chế, chính sách, quy định, quy chế chặt chẽ, đặc biệt là cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực, “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”, làm cho ai đó muốn tham nhũng, cũng không thể. Khi đã phát hiện tham nhũng thì xử lý thật nghiêm cả đối tượng tham nhũng và người bao che tham nhũng; kết hợp đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, để người khác không dám tham nhũng. 
 
    Về lâu dài thì phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là trong giới thiệu bầu cử, tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt phải dân chủ, công khai, minh bạch một cách thật sự, thực chất, không để lọt cán bộ hư hỏng, chạy chức, chạy quyền lọt vào cơ quan Đảng, Nhà nước. Có cơ chế sàng lọc cán bộ thường xuyên, đặc biệt là thực hiện nghiêm Quy định 114, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ cần biết tự bảo vệ chính mình trước mọi cám dỗ. Muốn thế phải thường xuyên trau dồi đạo đức, lối sống có văn hóa, liêm chính, biết trọng danh dự,…Đó là cách tốt nhất để phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa .
Bắc Văn
.