Một số ý kiến về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Thứ Tư, 25/03/2015, 10:49 [GMT+7]
    (BNCTW) - Thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao thời gian qua cho thấy, có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định nhưng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao không có thẩm quyền kháng nghị quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Do không có cơ chế để xem xét giải quyết lại vấn đề này nên đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài. Để khắc phục vướng mắc nêu trên, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã có cơ chế cho phép Hội đồng thẩm phán TAND tối cao được tự mình xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể như sau:
 
    Một là, việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bao gồm các trường hợp sau:
    - Có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng 
    - Phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó; 
 
    Hai là, các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bao gồm: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (2) Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; (3) Viện trưởng VKSND tối cao; (4) Chánh án TAND tối cao.
 
    Ba là, trình tự, thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao như sau: (1) Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; (2) Phiên họp Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng VKSND tối cao. Trường hợp xét thấy cần thiết, TAND tối cao có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp; (3) Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án; (4) Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao biểu quyết tán thành.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
    Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 9, Quốc hội Khóa XIII, thông qua tại Kỳ họp 10, Quốc hội Khóa XIII), có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này, cụ thể là: 
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục kế thừa quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong dự thảo Luật. Việc quy định cơ chế cho phép Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tự xem xét lại quyết định của mình là không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, vì quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không bị kháng nghị mà đây là thủ tục Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tự xem xét lại quyết định của mình khi có yêu cầu của một số chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị quy định khi xem xét lại quyết định của mình theo thủ tục đặc biệt thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không hủy, sửa mà chỉ kết luận về tính hợp pháp của quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; xác định trách nhiệm bồi thường và quyền của đương sự theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 104 Hiến pháp 2013 thì "Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì "Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị"; do đó, để bảo đảm tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và để quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thực sự là quyết định cao nhất thì không nên quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
 
    Qua nghiên cứu cho thấy, không nên quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) (như loại ý kiến thứ hai). Bởi cơ chế xem xét lại quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có một số vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn như sau:
 
    Thứ nhất, theo nguyên tắc hai cấp xét xử, một vụ việc chỉ được giải quyết qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Thêm vào đó là cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm được coi là những thủ tục tố tụng đặc biệt. Việc quy định cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vô hình chung đã thiết lập thêm một thủ tục đặc biệt nữa nhằm cho phép Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có thể xét lại chính quyết định của mình. Trong khi đó, về căn bản thì thủ tục đặc biệt này vẫn dựa trên các căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật giống như thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nội dung quyết định không có sự khác biệt với quyết định giám đốc thẩm bình thường theo quy định của pháp luật tố tụng. Hậu quả pháp lý của việc ra quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là vụ án có thể sẽ tiếp tục bị đưa ra xem xét, giải quyết ở cấp dưới, thậm chí xét xử lại ở cấp sơ thẩm. Điều này vi phạm nguyên tắc "toà án xét xử theo 2 cấp", khiến cho việc xét xử không có điểm dừng, vì thế quá trình xét xử có thể lập đi lặp lại, khiến cho các bên trong quan hệ tố tụng đều mệt mỏi, gây tốn kém chi phí cho cả Nhà nước và người dân, tạo sự quá tải của toà án và sự chậm trễ trong thực thi công lý.
 
    Thứ hai, thông thường các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhất là ở cấp xét xử cao nhất được coi là biểu tượng công lý của các quốc gia. Người dân dù muốn hay không đều phải tôn trọng và tuân thủ các bản án, quyết định này. Việc cho phép xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao - cơ quan xét xử cao nhất của đất nước - sẽ khiến niềm tin vào công lý bị suy giảm, sự tôn nghiêm của pháp luật, uy tín của hệ thống tòa án cũng bị ảnh hưởng.
 
    Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp là cơ quan của Quốc hội, thực hiện chức năng lập pháp, không thực hiện chức năng xét xử. Cơ quan lập pháp cho rằng có "sai sót nghiêm trọng" dựa trên cơ sở nào? Về bản chất, mặc dù là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng Quốc hội không phải là cơ quan cấp trên về mặt chuyên môn trong quan hệ với Tòa án nên việc các cơ quan lập pháp kiến nghị để xem xét lại quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan xét xử cao nhất sẽ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và vai trò lập pháp của chính các cơ quan này. Mặt khác sẽ không đúng với bản chất phân công và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong nhiều trường hợp, thẩm quyền này sẽ khiến cho các cơ quan lập pháp can thiệp trực tiếp vào hoạt động xét xử của tòa án, ảnh hưởng tới việc thực thi nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án.
Thứ tư, thực tiễn cho thấy, từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có hiệu lực đến nay, không có quyết định giám đốc thẩm nào của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hành chính bị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt (theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính 2010). Do đó, có thể thấy thủ tục này rất hiếm khi được áp dụng trên thực tế.
 
    Với những lý do nêu trên, không nên quy định về cơ chế Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền yêu cầu, kiến nghị xem xét lại quyết định cuối cùng của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Phương Thảo
;
.