Bình Thuận: 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chủ Nhật, 20/09/2015, 00:02 [GMT+7]
    Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
 
    Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004. Trong 10 năm qua, HĐND, UBND các cấp đã ban hành 10.109 văn bản quy phạm pháp luật; hầu hết đúng quy trình, trình tự và thẩm quyền, phù hợp với tình hình của địa phương. Đến nay, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương cơ bản theo đúng các quy định pháp luật, dần đi vào nền nếp. Chất lượng văn bản từng bước được nâng cao, không có văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành trái thẩm quyền hoặc có nội dung trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Đã xây dựng, ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương từ tỉnh đến huyện tương đối hoàn chỉnh, trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là trong quản lý đất, thu hút đầu tư, sử dụng, thu, chi ngân sách.
 
Một Hội nghị về công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Bình Thuận
Một Hội nghị về công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Bình Thuận
    Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách, định hướng quan trọng; đặc biệt là, tập trung giải quyết những nội dung bức xúc nảy sinh trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kinh phí, chế độ chính sách... góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng... góp phần quan trọng trong công tác quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp ở địa phương.
 
    Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được HĐND và UBND các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện. Qua kiểm tra 162.428 văn bản, phát hiện 1.437 văn bản có một số nội dung chưa phù hợp; kiến nghị sửa đổi, thay thế một số văn bản hành chính thông thường nhưng có chứa quy phạm pháp luật do UBND tỉnh và cấp huyện ban hành.
 
    Về tổ chức thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương theo quy định của Chính phủ và Bộ Tư pháp với các nội dung chủ yếu: kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực trọng tâm; tổ chức triển khai, tập huấn những nội dung có liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật và tổ chức Hội nghị tập huấn công tác theo dõi thi hành pháp luật cho cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật của sở, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được thực hiện kịp thời, đảm bảo yêu cầu và tính khả thi. Thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát ở một số lĩnh vực cụ thể về thi hành pháp luật của HĐND các cấp cho thấy: ý thức chấp hành Hiến pháp, luật, các quy định của pháp luật ngày càng được nâng lên. Công tác theo dõi thi hành pháp luật đạt kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương. Công tác đảm bảo các điều kiện cho thi hành pháp luật, hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kịp thời và đầy đủ.
 
    Nhìn chung, hoạt động tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền đảm bảo tính kịp thời; việc áp dụng pháp luật được thực hiện thống nhất. Qua hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, hầu hết, các quy định của pháp luật được đánh giá là tuân thủ ở mức độ cao.
 
    Về xử lý vi phạm pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, thường xuyên chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức tập huấn, chỉ đạo tổng kết công tác theo dõi thi hành pháp luật về quản lý xử lý vi phạm hành chính; thành lập các Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh theo chương trình trọng tâm của bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các ngành có liên quan, xây dựng quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 
    Hàng năm, qua các cuộc kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, nhất là về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, cho thấy: người có thẩm quyền và các cơ quan chức năng của các địa phương cơ sở đã áp dụng, thực hiện tương đối chính xác, thống nhất về nội dung và hình thức văn bản theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ, chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm chành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp huyện, cấp xã khá tốt, đa số quyết định xử phạt đều được chấp hành nghiêm túc.
 
    UBND tỉnh thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư pháp và soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật. UBND tỉnh đã phối hợp với các trường đại học mở nhiều lớp trung cấp, đại học và cao học; chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Trường Chính trị, Trường Quân sự tỉnh có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hàng nghìn công chức, viên chức ở cả 03 cấp của tỉnh. Qua đó, đã đào tạo, bồi dưỡng cho 1.734 cán bộ công chức ngành tư pháp; trong đó có: 217 điều tra viên, 83 kiểm sát viên, 62 thẩm phán; 66 công chức tư pháp hộ tịch; 372 người là trưởng, phó công an cấp xã, công an viên thôn; 363 công chức cấp xã và 571 công chức ngành tư pháp.
 
    Bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp nói chung đã đáp ứng được trình độ chuyên môn (cấp huyện: trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học chiếm 97%; cấp xã trình độ chuyên môn từ sơ cấp đến đại học chiếm 88,9%); thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu UBND các cấp trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật…
Hoàng Nga
(Văn phòng Quốc hội)
;
.