Đề xuất sửa đổi các quy định về miễn, giảm hình phạt trong Bộ luật hình sự năm 1999

Thứ Ba, 24/12/2013, 15:34 [GMT+7]
    Miễn, giảm hình phạt đối với người bị kết án là một chế định mang tính nhân đạo, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tích cực cải tạo, lập công để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, hoặc đối với một số trường hợp người bị kết án lâm vào hoàn cảnh đặc biệt như ốm đau, bệnh tật thì nhà nước cho hưởng chính sách khoan hồng. 
    Việc miễn, giảm hình phạt nói chung được thể hiện trong BLHS dưới 03 dạng khác nhau: một là, miễn hình phạt (Điều 54); hai là, miễn chấp hành hình phạt (Điều 57); ba là, giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 58).
    Theo Điều 54 của BLHS thì miễn hình phạt là việc Tòa án tuy vẫn kết án đối với bị cáo nhưng không áp dụng hình phạt đối với người đó do họ phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ do luật định (khoản 1, Điều 46 BLHS), đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
    Điều 57 của BLHS quy định về việc miễn chấp hành hình phạt, theo đó, nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo hoặc được đặc xá, đại xá thì không phải chấp hành hình phạt nữa. Theo đó, khoản 1, Điều 57 BLHS quy định: “Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”. 
 
    Như vậy, điều kiện để có thể miễn chấp hành toàn bộ hình phạt bao gồm: Người phạm tội bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn; chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội tức là họ được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia tích cực các hoạt động xã hội hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo không còn hoạt động được; được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Thẩm quyền xét miễn chấp hành toàn bộ hình phạt thuộc về Toà án.
Theo Điều 58 của BLHS thì giảm mức hình phạt đã tuyên là việc Tòa án quyết định rút ngắn thời gian mà người bị kết án thực tế phải chấp hành so với mức hình phạt đã tuyên trong bản án khi có đủ những điều kiện do luật định. Như vậy, việc giảm hình phạt chỉ đặt ra khi người bị kết án đã chấp hành được một phần hình phạt. Việc giảm mức hình phạt đã tuyên được thực hiện dưới hai dạng: một là, giảm nhiều lần; hai là, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
    Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là hai mươi năm.
    Đối với hình phạt tiền thì BLHS quy định, người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc hai mươi năm nếu là tù chung thân.
Đối với người chưa thành niên bị kết án, BLHS có quy định cụ thể các trường hợp miễn, giảm hình phạt, cụ thể: Miễn giảm hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội nếu họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại (khoản 3, Điều 76 của BLHS); miễn, giảm hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên bị kết án (Điều 57 và 76 của BLHS) tùy từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở thời gian thực tế đã chấp hành hình phạt và thái độ cải tạo; miễn giảm hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên bị kết án nếu họ chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt mà lập công. Việc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại có thể được tiến hành đối với người chưa thành niên trong trường hợp được đặc xá hoặc trong thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công; chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên nếu họ đã chấp hành 1/2 thời hạn do Tòa án quyết định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục.
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 70 của BLHS thì thời hạn giáo dục tại xã, phường thị trấn cũng như thời hạn ở trường giáo dưỡng là từ 01 năm đến 02 năm. Như vậy, nhìn một cách tổng quát thì điều kiện về thời gian thực tế đã chấp hành để được xem xét chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng ít nhất là 06 tháng và nhiều nhất là 01 năm.
Từ sự phân tích nêu trên có thể nhận thấy, các quy định của BLHS hiện hành về miễn, giảm hình phạt nói chung bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau đây:
 
    Thứ nhất, BLHS có quy định một số trường hợp miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng chưa chấp hành hình phạt. Hai điều kiện chủ yếu để được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt trong những trường hợp này là lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, quy định này chỉ thích hợp đối với trường hợp người bị kết án bị mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trường hợp lập công, mặc dù rất đáng khuyến khích và cũng thể hiện được phần nào quyết tâm, thiện chí và mong muốn của người bị kết án trong việc sửa chữa lỗi lầm và phục thiện, nhưng các yếu tố là nguyên nhân gây nên hành vi phạm tội thì chưa giải quyết được. Nếu lập tức miễn ngay toàn bộ hình phạt cho người bị kết án thì mục đích của hình phạt chưa đạt được.
 Bên cạnh đó, quy định về miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại được tiến hành trên cơ sở không có ràng buộc gì đối với người bị kết án được trả tự do có thể dẫn đến người phạm tội lại tiếp tục tái phạm do không bị kiểm soát và không bị ràng buộc. 
 
    Thứ hai, về mặt kỹ thuật, Điều 58 BLHS năm 1999 quy định việc giảm hình phạt đã tuyên, tuy nhiên, khoản 2 Điều này lại quy định về miễn chấp hành phần hình phạt tiền còn lại, có nghĩa là điều này vừa quy định về miễn phần hình phạt còn lại.
 
    Thứ ba, quy định về miễn, giảm hình phạt đối với người chưa thành niên cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Vì điều kiện để được miễn giảm chế tài là dựa trên ba tiêu chí: (1) thời gian thực tế chấp hành chế tài; (2) thái độ cải tạo; (3) lý do nhân đạo. Tuy nhiên, đối với các biện pháp tư pháp, pháp luật chỉ quy định việc chấp dứt thời hạn của biện pháp tư pháp nếu người chưa thành niên đã chấp hành được 1/2 thời hạn do Tòa án tuyên và có những biểu hiện tiến bộ. Người chưa thành niên lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không thỏa mãn hai điều kiện trên thì cũng không được xét giảm hoặc chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp. Điều này chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là trong trường hợp người chưa thành niên bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và việc giáo dục đối với họ không còn thực sự có ý nghĩa. 
    Bên cạnh đó, cơ chế miễn giảm các biện pháp tư pháp cũng có sự khác biệt so với hình phạt. Đối với các biện pháp tư pháp, kể cả tước tự do lẫn không tước tự do, pháp luật không quy định việc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Việc giảm thời hạn chấp hành chế tài nhiều lần cũng không đặt ra. Pháp luật chỉ quy định việc chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên đủ điều kiện, tức là miễn chấp hành phần thời hạn còn lại. Như vậy, người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng có thể phải chấp hành các biện pháp này nhiều nhất là một năm. 
 
    Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần sửa đổi các quy định về miễn, giảm hình phạt thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho họ nhanh chóng kết thúc việc chấp hành chế tài để có thể làm lại từ đầu nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm bảo hiệu quả phục hồi, ngăn ngừa tái phạm một cách hiệu quả. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS hiện hành về miễn, giảm chế tài theo hướng như sau:
 
    Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các điều 57, 58 của BLHS theo hướng đối với trường hợp người bị kết án bị mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Còn đối với người bị kết án đã lập công thì được ưu tiên xét giảm ngay và với mức giảm cao hơn.
 
    Thứ hai, nghiên cứu bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó, người đang chấp hành hình phạt tù, nếu thỏa mãn một số yêu cầu như về thời hạn chấp hành án, cải tạo tốt và có nhiều tiến bộ thì được miễn chấp hành hình  phạt tù còn lại với điều kiện là sau khi trả tự do, họ phải tuân thủ một số điều kiện như tuân thủ pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ công dân, trình diện cơ quan có thẩm quyền, không được đi khỏi nơi cư trú và phải tham gia một số chương trình dịch vụ xã hội nhằm khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội như liệu pháp tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, cai nghiện rượu hoặc ma tuý v.v…, dưới sự giám sát của các cán bộ giám sát trong một thời gian nhất định.
 
    Thứ ba, cơ cấu lại Điều 57 và 58 BLHS theo hướng Điều 57 quy định về miễn chấp hành hình phạt, bao gồm cả việc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại, Điều 58 quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên.
Thứ tư, đối với người chưa thành niên cần quy định cơ chế miễn chấp hành toàn bộ hoặc giảm thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng, đồng thời, cho phép áp dụng tiêu chí lập công và mắc bệnh hiểm nghèo để xét miễn, giảm chế tài đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp. 
Phương Thảo
 
;
.