Bài học quản lý từ một vụ án tham nhũng

Thứ Ba, 15/05/2012, 12:23 [GMT+7]

Hành vi phạm tội của Đỗ Thị Minh Tân như sau:

-  Lần  thứ  nhất, ngày  22/3/2005,  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cấp 10 triệu đồng tiền ăn cho đại biểu dự họp từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên. Sau khi được phê duyệt, Tân chỉ đạo thủ quỹ Phan Thị Hồng Huyễn viết và  ký  phiếu  chi  trình  ông  Nguyễn  Thanh Hoàng, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy ký, sau đó đưa lại phiếu chi này cho Tân. Thời điểm này, thủ quỹ Huyễn đang đi học, nên Tân kiêm thủ quỹ. Lợi dụng sơ hở này, Tân đã chiếm đoạt 10 triệu đồng. Sau đó, Tân làm văn  bản  trình  ông  Nguyễn  Thanh  Bình, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy ký ủy nhiệm chi cho một nội dung khác nhưng có kèm thêm 10 triệu đồng đã chiếm đoạt vào mục nghiệp vụ chuyên môn ngành để hợp thức hóa số tiền này cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Lần thứ hai, ngày 03/7/2006, Đảng ủy khối cơ quan đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cấp 12,5 triệu đồng từ nguồn kinh phí dự trữ của Tỉnh ủy để mua máy in. Tân đã trình công văn này cho ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy duyệt chi bằng nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị và làm thủ tục chuyển vào tài khoản của cơ quan Đảng ủy khối. Đảng ủy khối đã thanh quyết toán với Văn phòng Tỉnh ủy trước ngày 31/8/2006. Đến ngày 13/12/2006, Tân lại làm công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy xin bổ sung kinh phí mua máy in cho Đảng ủy khối đúng 12,5 triệu đồng và được ông Phan Đức Hưởng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy duyệt đồng ý chi. Sau  đó,  Tân  đưa  tờ  trình  được  duyệt  cho Nguyễn Văn Giúp là nhân viên Văn phòng viết  phiếu  chi  trình  ông  Nguyễn  Thanh Hoàng, Phó Chánh Văn phòng ký duyệt chi rồi Tân giả mạo chữ ký người nhận  để chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

- Lần thứ ba, tháng 7 - 10/2006, Ban Tổ chức Tỉnh ủy 2 lần có công văn đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long cấp kinh phí khen thưởng cho các tổ chức và cá nhân thực hiện tốt chỉ thị 29 và 44 của Ban Bí thư với số tiền trên 62 triệu đồng. Sau khi nhận được đề nghị,  Tân  làm  thủ  tục  trình  ông  Nguyễn Thanh Bình và ông Nguyễn Thanh Hoàng ký duyệt  và  ủy  nhiệm  chi  cho  Ban  Tổ  chức thông qua Kho bạc Nhà nước tỉnh. Sau đó, Ban  Tổ  chức  đã  thanh  toán  lại  cho  Văn phòng  Tỉnh  ủy  các  khoản  tiền  này.  Tuy nhiên, đến khi Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh cấp tổng cộng 60 triệu đồng cho các khoản khen thưởng nói trên thì Tân cử thủ quỹ Phan Hồng Thủy đi nhận về và Tân yêu cầu Thủy giao lại cho Tân để chuyển cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhưng thực tế thì Tân chiếm đoạt toàn bộ số tiền này chi xài cá nhân. Ngoài ra, ngày 17/1/2008, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chi cho Văn phòng Tỉnh ủy 7 triệu đồng tiền thưởng cho 2 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập, Tân cùng thủ quỹ La Thị Ánh Tuyết đi nhận nhưng khi Tuyết nhận xong Tân bảo đưa cho Tân để chuyển cho Ban Tổ chức nhưng thực tế Tân chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

- Lần thứ tư, để thuận lợi cho công tác phục vụ, Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ký hợp đồng với 02 cửa hàng xăng dầu: Cửa hàng xăng dầu số 3 thuộc Công ty xăng dầu Vĩnh Long (do Lưu Thị Cầu làm Cửa hàng trưởng) và Cửa hàng xăng dầu phường 9 (do Huỳnh  Văn  Lâm  làm  chủ).  Từ  2004  -5/2008, Tân gặp bà Cầu xin 20 hóa đơn về quyết toán khống, chiếm đoạt 3.200 lít xăng và 5 lít nhớt, tổng trị giá là 45,882 triệu đồng.

Cũng trong thời gian này, Tân đặt vấn đề với bà Cầu, mỗi tháng, Tân viết lệnh xuất xăng khống đưa cho bà Cầu; cuối tháng, bà Cầu xuất hóa đơn cho Văn phòng Tỉnh ủy thanh toán cùng với các hóa đơn thật. Theo thỏa thuận, mỗi lít xăng khống, Tân chi cho bà Cầu 500 đồng. Với thủ đoạn này, Tân đã xuất 208 lệnh khống, với 10.393 lít xăng và 27 hộp nhớt, trị giá trên 106 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn trên, Tân xuất cho ông Lâm 101 lệnh khống với số lượng 4.299 lít xăng, trị giá trên 43 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền xăng, dầu mà Tân chiếm đoạt là trên 196 triệu đồng.

Trong thời gian dài, Tân đã chiếm đoạt trên 260 triệu đồng. Hiện nay, vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử.

Chúng ta có thể rút ra những bài học sâu sắc từ vụ án này:

1. Công tác quản lý cán bộ: Đỗ Thị Minh Tân được tuyển dụng vào cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Long từ năm 1977, đến đầu năm 2002 được bổ nhiệm làm Phó trưởng  Phòng  Quản  trị  thuộc  Văn  phòng Tỉnh  ủy  và  đến  ngày  01/5/2002  được  bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tài chính Đảng. Từ năm 2004, đã bắt đầu có sai phạm trong vấn đề xăng dầu của cơ quan mà không bị phát hiện, nên càng về sau, khi chức vụ cao hơn thì sai phạm lớn hơn. Do được che đậy kín đáo, hàng năm, mặc dù chi bộ có kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, nhưng Tân vẫn không bị phát hiện sai phạm, thậm chí, còn được chi bộ đánh giá là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Trình tự, thủ tục hành chính: việc đề xuất, hỗ trợ kinh phí trong tổ chức đảng còn chồng chéo, bất hợp lý. Do quy trình xét duyệt, ký ủy nhiệm chi và thanh quyết toán có nhiều người khác nhau; lại thiếu kiểm tra, kiểm soát nên kẻ tham nhũng đã lợi dụng sơ hở này.

3. Giao dịch giữa các cơ quan: do quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan đảng và cơ quan chính quyền không tốt, tạo nên kẽ hở khi thanh, quyết toán. Công tác thanh tra, kiểm  tra,  giám  sát  việc  thanh,  quyết  toán kinh phí (hội nghị, thi đua, khen thưởng, mua xăng) của cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy không được quan tâm trong thời gian dài (05 năm), tạo nhiều cơ hội để bị can có cơ hội chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

4. Trách nhiệm người đứng đầu: người đứng đầu và cấp phó của cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long đã không làm tròn trách nhiệm;  thiếu  kiểm  tra  công  tác  tài  chính. Thực tế vụ án cho thấy, Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy gần như giao phó trách nhiệm cho Tân (đã để cho Tân kiêm luôn thủ quỹ khi cán bộ thủ quỹ đi học; chi phí xăng, dầu xe không kiểm tra đối chiếu suốt thời gian dài), nên tạo điều kiện cho Tân có điều kiện, thời gian để thực hiện mục đích của mình.

Mỗi vụ án tham nhũng xảy ra đều gắn liền với thất thoát tài sản, mất cán bộ và đặc biệt là tổn hại niềm tin của người dân, của xã hội với Đảng và Nhà nước. Riêng vụ án này, xảy ra ngay trong nội bộ cơ quan đảng thì tổn hại còn nhiều hơn và nó cũng để lại nhiều vấn đề mà chúng ta phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Phan Bá

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.