Điểm báo tuần số 273 từ ngày 23-7 đến ngày 28-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 30/07/2018, 17:11 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Công lý, Đại đoàn kết, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23-7) đồng loạt đưa tin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định số 1261/QĐ-CTN ngày 23-7-2018 về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn, do có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị có thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16-7-2018. Trước đó, liên quan đến thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG, Bộ Chính trị kết luận những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng nên quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Hải quan, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Thanh Niên, Đài THVN (24-7) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy cùng cấp kiểm tra 598 tổ chức đảng và 605 đảng viên; giám sát 391 tổ chức đảng và 425 đảng viên. Tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật là 201, trong đó khiển trách 154 trường hợp, cảnh cáo 37 trường hợp, cách chức 05 trường hợp; khai trừ 05 trường hợp. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bên cạnh công tác kiểm tra chung, cần tăng cường giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc, vào việc giám sát tổ chức đảng và đảng viên. Đồng chí yêu cầu các quận, huyện tiến hành rà soát và thực hiện việc kiểm tra chung từ bốn nguồn thông tin nhằm góp phần giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, không để vụ việc kéo dài, gây bức xúc dư luận; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình đột phá của thành phố…
 
    Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Biên Phòng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN (25-7) đưa tin, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học góp ý kiến vào nội dung dự thảo Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu, đồng thời nêu rõ, Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là sự cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; mà trực tiếp là Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Đối ngoại…; là sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và nghệ thuật quân sự về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (26-7) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2019 gồm: Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tại phiên họp tháng 5-2019). Xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tại phiên họp tháng 9-2019)… Tổ chức hoạt động chất vấn tại 2 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 và tháng 8 năm 2019…
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Hải quan, Giao thông, Xây dựng, Thanh Niên, Hà Nội mới, Người lao động, Đài THVN (27-7) phản ánh các nội dung Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) và Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP). 6 tháng qua, cả nước đã phá hơn 20 nghìn vụ phạm pháp hình sự; triệt phá hơn 1.000 băng, nhóm tội phạm. Các cơ quan chức năng đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2.600 đối tượng truy nã; phát hiện gần 9.000 vụ phạm tội về kinh tế và hơn 200 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ; hơn 1.100 vụ buôn lậu; phát hiện, bắt giữ gần 12.500 vụ với hơn 18 nghìn đối tượng tội phạm về ma túy; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.400 tỷ đồng; khởi tố 887 vụ/889 đối tượng; xử lý hơn 5.000 vụ vi phạm hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 138/CP yêu cầu, trong thời gian tới, 2 Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục những thiếu sót để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời nắm bắt thông tin tình hình trong nước, thế giới không để bị động, bất ngờ; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Ðồng thời, triển khai cao điểm tiến công trấn áp tội phạm, kịp thời phát hiện và đấu tranh, triệt phá các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiên quyết không để có vùng cấm trong việc xử lý vi phạm, có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng nhiệm vụ.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27-7) đồng loạt đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ 28, xem xét, kết luận một số nội dung sau: 1) Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an và một số cán bộ cấp tướng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 2) Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và một số cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở; quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất trái quy định trong thời gian dài, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước. 3) Xem xét, thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. 4) Xem xét các báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Ninh; kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, Bộ Quốc phòng, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 01 cá nhân, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang và 01 cá nhân, Ban cán sự đảng UBND các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và một số cá nhân. 5) Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với hai trường hợp. 
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Tiền Phong, Công lý, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN (24-7) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Vũng Liêm; tuyên phạt bị cáo Lê Hữu Rí, nguyên Hiệu trưởng và bị cáo Nguyễn Văn Sang, Kế toán trưởng cùng mức án 20 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Đào, Thủ quỹ 15 năm tù và bị cáo Lê Thị Đỗ Quyên, nhân viên văn thư 7 năm tù; đồng thời buộc 4 bị cáo phải khắc phục số tiền đã chiếm đoạt từ ngân sách Nhà nước. Theo cáo trạng, trong thời gian từ 2011-2015, 04 bị cáo lập hàng loạt các chứng từ quyết toán khống để chiếm đoạt 4,6 tỷ đồng tiền ngân sách cấp cho Trường THPT Võ Văn Kiệt để chia nhau tiêu xài.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Giao thông, Tuổi Trẻ, Người đưa tin, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài THVN, TTXVN (25-7) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) giai đoạn 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín - Sacombank) và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đáng chú ý, đối với số tiền thiệt hại của vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm là tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi 6.126 tỷ đồng từ các ngân hàng, gồm: Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời, buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 6.126 tỷ cho 3 ngân hàng. Phiên tòa sở thẩm lần này dự kiến diễn ra trong vòng 3 tuần, từ ngày 24-7 đến hết ngày 14-8.
 
    Theo thông tin từ báo Nhà báo và Công luận, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25-7), Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố 8 bị can có sai phạm trong quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Dự án Tây Hồ Tây, Hà Nội. Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng Dự án Tây Hồ Tây, Nguyễn Hữu Khiêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) cùng 07 bị cáo dù biết UBND TP. Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án Tây Hồ Tây nhưng vẫn thực hiện điều chuyển đất nông nghiệp cho 29 hộ trên địa bàn để được nhận tiền bồi thường, trong số đó có cả người nhà các bị cáo. Hậu quả, 29 hộ nhận đất đã được nhận tiền bồi thường hỗ trợ sai quy định gần 21 tỷ đồng, mới thu hồi được hơn 576 triệu đồng, số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước là 20,4 tỷ đồng.
 
    Báo Lao Động, Tiền Phong, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Xây dựng, Phụ nữ Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN (26-7) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Bích Anh, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội về tội "Nhận hối lộ". Kết quả điều tra cho thấy, Lê Thị Bích Anh được phân công xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích", thẩm phán Anh đã nhận 300 triệu đồng của gia đình bị cáo Kiên để được hưởng án treo. Tuy nhiên, bị cáo vẫn bị tuyên 3 năm 6 tháng tù giam. Không đúng như thỏa thuận, gia đình bị cáo Kiên đã tìm đến thẩm phán Lê Thị Bích Anh đòi lại tiền "chạy án"; đồng thời bí mật ghi âm, ghi hình việc đòi lại tiền để tố cáo thẩm phán này tới Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 
    Báo Công an nhân dân, Công lý, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động (26-7) dẫn nguồn tin từ UBND huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cho biết, Công an huyện đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Anh, Chủ tịch UBND xã Long Mỹ về hành vi “Tham ô tài sản”. Trước đó, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Thái Anh có dấu hiệu tham ô ngân sách trong việc xây dựng các công trình ở địa phương với tổng số tiền sai phạm khoảng 200 triệu đồng. Các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ để xử lý theo đúng pháp luật.
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Nhà báo và Công luận, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vnexpress, Đài TNVN (26-7) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo đối ông Nguyễn Hoàng Đảm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Mỹ Tho vì thiếu kiểm tra công tác tham mưu của cấp dưới; ký duyệt các chứng từ quyết toán ở lĩnh vực vệ sinh môi trường, gây thiệt hại cho ngân sách địa phương hơn 7 tỷ đồng. Từ thiếu trách nhiệm này dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên của thành phố đã bị xử lý luật và bị khởi tố hình sự, trong đó có ông Phan Văn Hoàng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho.
 
    Theo tin từ báo Điện tử Chính phủ, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Giáo dục, Phụ nữ Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Người lao động, Đài TNVN (26-7), liên quan đến vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Sơn La, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Sơn La có dấu hiệu bị sửa điểm. Cơ quan chức năng xác định có 5 cá nhân liên quan trực tiếp tới những sai phạm nói trên. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tiền Phong (23-7) cho biết, ông Roh Hoe-chan, thành viên đảng Công lý Hàn Quốc (một chính trị gia phe đối lập) đã tự tử giữa lúc đang bị điều tra về cáo buộc nhận các khoản tài trợ chính trị bất hợp pháp. Hiện, ông Roh đang bị điều tra về cáo buộc nhận 50 triệu won (tương đương 44.333 USD) từ một blogger có biệt danh “Druking” để giữ bê bối liên quan đến vụ gian lận ý kiến online. Trong lá thư tuyệt mệnh, ông Roh đã nói lời xin lỗi gia đình và thừa nhận đã nhận một nguồn quỹ chính trị bất hợp pháp. Ông Roh từng được đặt biệt danh “Quý ông sạch sẽ” vì luôn lên tiếng phản đối các hành động tham nhũng và sai trái.
 
    Thông tấn xã Việt Nam (26-7) đưa tin, cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã trình diện Tòa án thành phố Pietermaritzburg, đối mặt với 16 tội danh lừa đảo, làm ăn phi pháp, rửa tiền, tham nhũng liên quan đến thỏa thuận mua vũ khí của châu Âu trị giá 30 tỷ rand (tương đương 2,5 tỷ USD) nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này năm 1994. Trưởng Công tố nhà nước Nam Phi cho biết sau quá trình xem xét đã có đủ cơ sở pháp lý để truy tố ông Zuma liên quan đến thương vụ mua bán này. Đến nay, ông Zuma vẫn bác bỏ mọi cáo buộc. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 28.
 
    - Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.
 
    - Khởi tố vụ gian lận điểm thi tại Sơn La.
 
    - Bắt tạm giam cựu nữ thẩm phán nhận 300 triệu “chạy án”.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.