Bình Phước: Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Sáu, 26/04/2024, 21:53 [GMT+7]
    Ngay từ đầu năm 2024, Thanh tra tỉnh Bình Phước đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, định hướng xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch công tác gửi thanh tra sở, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, có rà soát, đối chiếu nhằm tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra giữa các cơ quan, đơn vị.
 
    Trong quý I/2024, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai thực hiện 20 cuộc thanh tra hành chính và 23 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… trên địa bàn tỉnh. Trong số 20 cuộc thanh tra hành chính, có 17 cuộc theo kế hoạch và 3 cuộc đột xuất; đã ban hành kết luận thanh tra 9 cuộc tại 47 đơn vị; kết quả thanh tra phát hiện vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình; quản lý và sử dụng đất; công thương; tài chính ngân sách; môi trường… với số tiền 77 triệu đồng.
 
Hội nghị tổng kết công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tỉnh Bình Phước
Hội nghị tổng kết công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tỉnh Bình Phước
    Trong 23 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, có 10 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 13 cuộc kiểm tra đột xuất. Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu là giao thông, quản lý thị trường, y tế, nước thải, giấy phép xây dựng… đã ban hành kết luận thanh tra 12 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện có 50 tổ chức và 5 cá nhân vi phạm với tổng số tiền hơn 2,24 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 636 triệu đồng. Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành là 64 quyết định, với số tiền phạt hơn 8,2 tỷ đồng.
 
    Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiếp 5 đoàn đông người với tổng số 1.235 lượt, số người được tiếp là 720 người với 644 vụ việc. Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp nhận là 542 đơn, trong đó có 423 đơn đủ điều kiện xử lý; đã giải quyết 14/24 đơn khiếu nại và 5/10 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền.
 
    Theo báo cáo của ngành Thanh tra tỉnh Bình Phước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đạt được những kết quả khích lệ, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại địa phương.
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thông qua tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành Thanh tra; tăng cường phát hiện, xử lý và ngăn ngừa tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra đã xác định rõ mục đích nhằm phát hiện các sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, dẫn đến việc nảy sinh những hành vi tham nhũng; từ đó, kiến nghị, đưa ra giải pháp xử lý nghiêm về hành vi tham nhũng.
 
    Trong công tác tiếp công dân, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã bám sát vào tình hình thực tiễn của địa phương, chế độ chính sách, pháp luật, đặc biệt lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân. Lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh cần chú trọng việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó, tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
 
    Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng; tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, nhất là với các lĩnh vực nhạy cảm như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, giao thông, y tế, thu chi ngân sách; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm; thực hiện hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, bổ sung; quản lý, kiểm tra bản kê khai, phối hợp xác minh tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu; đề nghị các cơ quan điều tra, truy tố tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện.
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian trước đó cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; các đơn vị không xây dựng kế hoạch, báo cáo gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh và triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng cũng phải chịu trách nhiệm.
Hương Giang
.